Loét dạ dày do mất cân bằng lối sống

Ăn uống không điều độ, công việc quá tải… đang là những tác nhân khiến hơn 70% người lớn Việt Nam mắc bệnh viêm loét dạ dày - tá tràng. Đó là cảnh báo của các chuyên gia y tế về tác động của lối sống hiện nay lên dạ dày ngày 18-5 tổ chức tại TPHCM.

Ăn uống không điều độ, công việc quá tải… đang là những tác nhân khiến hơn 70% người lớn Việt Nam mắc bệnh viêm loét dạ dày - tá tràng. Đó là cảnh báo của các chuyên gia y tế về tác động của lối sống hiện nay lên dạ dày ngày 18-5 tổ chức tại TPHCM.

Theo ghi nhận tại các bệnh viện (BV): Nhân dân 115, Chợ Rẫy, Đại học Y Dược TPHCM, Nguyễn Tri Phương, trên 60% bệnh nhân người lớn đến khám và điều trị các bệnh về tiêu hóa đều liên quan đến viêm loét dạ dày - tá tràng. Một bác sĩ phân khoa Tiêu hóa - Gan mật BV Đại học Y Dược TPHCM cho biết cứ trung bình 10 ca nội soi sau khi được kiểm tra thì 5 ca mắc bệnh đau dạ dày.

Theo các chuyên gia tiêu hóa, đây là bệnh phổ biến thường thấy hiện nay nhưng chưa được quan tâm đúng mức. Bệnh có thể biến chuyển nặng, dần chuyển sang mãn tính, biến chứng xuất huyết tiêu hóa, thủng dạ dày, thậm chí dẫn đến ung thư nếu không được điều trị kịp thời.

Theo PGS-TS Nguyễn Thị Lâm, Phó viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia, khoảng 10% người dân các nước đang phát triển bị viêm loét dạ dày - tá tràng và hàng năm tăng khoảng 0,2%. Ở Việt Nam, theo điều tra trong những năm gần đây, bệnh viêm loét dạ dày - tá tràng chiếm khoảng 26% và thường đứng đầu trong các bệnh ở đường tiêu hóa và có xu hướng ngày càng tăng.

Có nhiều nguyên nhân gây ra bệnh loét dạ dày-tá tràng, trong đó nhiễm khuẩn HP (Helicobacter pylori) là một trong những nguyên nhân hàng đầu. “Việt Nam thuộc vùng có tỷ lệ nhiễm HP cao (trên 70% ở người lớn và trên 39% ở trẻ nhỏ).

Điều đáng nói, tỷ lệ nhiễm HP ở các nước đang phát triển là rất sớm, từ trước 3 tháng tuổi. Theo điều tra nghiên cứu, 20%-40% trẻ nhiễm HP lúc 2 tuổi, 41%-80% nhiễm HP lúc 2-4 tuổi hoặc 4-6 tuổi. Và 80%-95% người lớn nhiễm HP.

Nguyên nhân dẫn đến nhiễm HP và viêm loét dạ dày-tá tràng, theo các chuyên gia y tế là chế độ ăn uống như ăn quá nhiều chất kích thích, thức ăn quá chua hoặc quá cay, quá nóng; chế độ ăn thiếu dinh dưỡng kéo dài; nghiện rượu, thuốc lá, ăn vội vàng, nhai không kỹ; rối loạn giờ giấc ăn uống thường xuyên như ăn không đúng bữa, không đúng giờ, ăn quá khuya, hoặc lúc ăn quá no, lúc quá đói. Hoặc nguyên nhân do thuốc và các hóa chất, thường gặp là acid, bụi kim loại, các loại thuốc giả đau, kháng viêm, corticoid.

Thậm chí ở những người hay lo lắng, sợ hãi, làm việc quá căng thẳng cũng có thể mắc bệnh đau dạ dày-tá tràng. “Đường lây truyền HP là xâm nhập vào cơ thể qua thức ăn và nước uống mà đường lây là phân - miệng.

Ngoài ra, còn tìm thấy HP ở trong chất nôn, trong nước bọt. Do đó có đường lây qua miệng khi hôn nhau”, PGS Lâm cho biết. Các chuyên gia khuyến cáo, để phòng chống khuẩn HP, ngoài làm việc hợp lý, ăn uống điều độ thì việc ăn nhiều sữa, trứng, thực phẩm giàu đạm, rau củ nấu chín và các thực phẩm dinh dưỡng có bổ sung vi khuẩn có ích BB12… cũng ngăn ngừa HP.

QUỲNH CHI

Tin cùng chuyên mục