Liên tiếp trong thời gian qua, cùng với sự xuất hiện của áp thấp nhiệt đới gây mưa lớn trên diện rộng tại các tỉnh miền Trung, cộng với việc hàng loạt đập chứa nước của các nhà máy thủy điện ở khu vực Tây Nguyên xả lũ, đã khiến nhiều nơi bị ngập nặng. Tại TPHCM, những đợt cường triều, mưa lớn gây ngập trên nhiều khu vực, với độ ngập nước ngày càng sâu cho thấy nguy cơ ngập nước đang ngày càng trở nên nguy hiểm, đe dọa cuộc sống, sinh hoạt sản xuất của nhiều địa phương.
Tác động của biến đổi khí hậu ngày càng rõ nét và những nguy cơ về tình trạng ngập nặng tại các đô thị lớn ở miền Trung, Tây Nguyên và Nam bộ là có thật và trở thành thách thức to lớn cho đất nước. Bài học từ Thái Lan đang khiến chúng ta phải suy nghĩ nghiêm túc về một lộ trình cơ bản, khoa học, mang tính lâu dài: chống ngập và sống chung với ngập như thế nào?
Những nguyên nhân mang tính khách quan và chủ quan trước tình trạng biến đổi khí hậu cần được cơ quan chuyên môn của Chính phủ nghiên cứu, xây dựng thành chiến lược chống ngập và sống chung với ngập có tầm nhìn xa cho từng vùng miền, từng đô thị lớn của cả nước nói chung và từng địa phương nói riêng. Cần có những đánh giá chính xác từng thời điểm ngập do lũ, cường triều… để chủ động đối phó.
TPHCM đã có nhiều động thái tích cực nhằm ngăn chặn nguy cơ ngập nước. Chính quyền TPHCM đã chi hàng ngàn tỷ đồng cho việc xây dựng hệ thống đê bao chống ngập, chống cường triều, thoát lũ… nhưng không vì thế mà không xảy ra các nguy cơ có thật đang đe dọa thành phố. Hãy nhìn lên bản đồ phía Nam, TPHCM chịu sức ép của hàng chục nhà máy thủy điện luôn sẵn sàng xả hàng tỷ mét khối nước luôn treo lơ lửng trên phía thượng nguồn sông Đồng Nai. Đến nay, có 9 công trình thủy điện sông Đồng Nai với hàng tỷ mét khối nước.
Đó là lời cảnh báo nghiêm túc cho TPHCM nếu xảy ra ngập nước. Cần có những dự báo về khả năng có thể xảy ra tràn lũ, ngập nước hay không? Chống ngập như thế nào, cần có phương án di dời dân đi đến đâu tránh lũ, các cơ quan công sở, nhà máy xí nghiệp, các khu công nghiệp, trường học, bệnh viện… bảo vệ tài sản ra sao? Chúng ta phải có phương án cụ thể để đối phó khi tình huống xấu xảy ra.
Hiện nay, Huế và các tỉnh miền Trung đang bị ngập nặng, những khó khăn trong sinh hoạt của người dân đã thực sự là nỗi lo của chính quyền. Bài học về sống chung với lũ từ nhiều năm qua, xem ra chưa học thuộc. Lại tái diễn cảnh không có nhà ở, không trường lớp cho học sinh tiếp tục học và không có miếng ăn hàng ngày cho người dân vùng ngập lũ. Sống chung với lũ là từ không mới, nhưng nội dung sống chung mỗi năm mỗi khác, đòi hỏi những người có trách nhiệm lo cho dân phải tính và xây dựng các giải pháp thiết thực trong những ngày này.
Chúng ta đã nhiều lần diễn tập chống bão lũ, chống vỡ đê… nhưng chưa có địa phương nào có diễn tập huấn luyện cho dân trụ lại trên mặt nước bằng phương tiện cứu sinh có sức chứa số lượng vài chục người, huấn luyện cách dự trữ, sử dụng những nguồn thực phẩm nào giúp trụ lại ăn ở, đi lại, chữa bệnh ngay trên vùng ngập lũ như thế nào. Có thể nói, sống chung cũng phải có phương án cụ thể, sống chung ngắn ngày, dài ngày ra sao.
Cách đây không lâu, có địa phương nhờ chiếc máy lọc nước của Thụy Điển viện trợ đã cung cấp 4.000m³ nước sạch/ngày cho dân ngay tại vùng ngập lũ. Sao không thấy ai nghiên cứu sản xuất hay nhập thiết bị này về để bán rộng rãi cho người dân vùng ngập nước để yên tâm sống chung với lũ? Hay như Thái Lan sau hai tháng ngập lũ, đã tìm ra phương pháp dùng bánh vi sinh để khử trùng cho vùng nước lũ, họ có nguồn thuốc chữa bệnh dự trữ phát cho dân, có các tổ chức cung cấp thực phẩm cho dân qua hệ thống tàu thuyền “dân lập”… Hãy nhìn về phía Thái Lan xem họ đã có kinh nghiệm gì để sống chung với lũ để học hỏi.
Chống ngập, sống chung với lũ không còn là chuyện của vài địa phương “chuyên” bị ngập mà đang là nỗi lo cận kề cho thành phố. Về lâu dài, chuyện ngập và sống chung với lũ ngày một nhiều hơn, nghiêm trọng hơn, nên việc chủ động chống ngập, sống chung với lũ phải được các nhà khoa học tính toán, đưa ra các dự báo nhằm giúp chính quyền thành phố có quyết sách đúng đắn. Chuyện Sơn Tinh, Thủy Tinh ngày xưa, xem ra vẫn là câu chuyện nóng hổi cho ngày hôm nay.
Thăng Long