Lời cảnh tỉnh từ “tín dụng đen”

1.001 kiểu tiền mất, nợ mang
Lời cảnh tỉnh từ “tín dụng đen”

9 tháng qua trên địa bàn cả nước xảy ra hơn 60 vụ vỡ nợ “tín dụng đen”, trong đó TPHCM và Hà Nội là hai địa phương có nhiều vụ nhất với số tiền lên đến hàng trăm tỷ đồng. Phần lớn nạn nhân của những vụ vỡ nợ “tín dụng đen” này đều là những người muốn giàu nhanh, để rồi bỗng chốc trắng tay và nợ nần ngút đầu, gia đình tan nát…

Minh họa: A.Dũng

Minh họa: A.Dũng

1.001 kiểu tiền mất, nợ mang

Ngồi trước mặt tôi là người phụ nữ trạc ngoài 50 tuổi mặt già sọm, phờ phạc vì những đêm thức trắng lo “chạy nợ”. Bà tên Đỗ Thị Luận (phường Hiệp Thành, quận 12) – người đàn bà chỉ vài ngày trước còn được người dân các phường Hiệp Thành, Tân Thới Hiệp, Thới An… kính nể bởi tiền đưa đến đâu, đất giao ngay đến đó. Thế mà hôm nay, mọi chuyện đều vỡ lở. Để trốn chạy các con nợ, bà tìm đến Công an quận 12 xin tá túc và bị bắt khẩn cấp ngay sau đó vì những hành vi lừa đảo đã gây ra cho bao người.

Bà Luận khai nhận: “Cách nay vài năm vợ chồng tôi mua miếng đất mở xưởng may gia công. Lúc đất được giá, cắt ra một miếng bán đã lấy vốn của cả khu đất. Thế là hai vợ chồng đổi nghề. Vốn ít, chỉ đủ mua miếng đất vài trăm mét vuông, sau đó phân thành từng nền nhỏ xây nhà bán. Thấy làm ăn được đã nhờ người giới thiệu gặp ông Phan Ngọc Tân (ngụ quận 5) vay 5,5 tỷ đồng với lãi suất 6%/ tháng. Có được đồng nào lại ném vào đất, gặp lúc đất “nằm” lại đi vay tiếp để đầu tư và trả lãi. Đúng lúc cần, nhóm ông Nguyễn Đình Tuấn đứng ra cho vay thêm 4,7 tỷ đồng với lãi suất 15%/ tháng. Thế là “vòng quay” lại tiếp tục và để “quay” tiếp lại có một người tên Khoa (ngụ quận 5) “bơm” thêm 4 tỷ đồng với lãi suất… 30%/ tháng. Hàng ngày, hàng tuần và 10 ngày một lần chủ nợ lại đến lấy lãi, nặng nhất là 400 triệu đồng/ lần.

Được một thời gian hai vợ chồng phải “gán” hết cho ngân hàng hơn 20 sổ đỏ đất chưa tách thửa, sang tên cho người mua để lấy tiền trả lãi. Cầm cự từ tháng 3 năm ngoái đến nay thì hết chịu nổi đành buông”. Kết quả, gần 100 người trắng tay vì đã đưa hết tiền đất – người 300  triệu đồng, người 1 tỷ đồng nhưng chưa nhận được đất, hoặc đã nhận đất nhưng chưa sang tên vì sổ đỏ của chủ trước còn nằm… trong ngân hàng.

Trường hợp của bà Nguyễn Thị Hồng Nhung (ngụ 204 Cách Mạng Tháng 8, phường 5, quận Tân Bình) lại khác. Biết bà Nhung cần tiền kinh doanh, bà Trần Thúy Hương (ngụ quận Bình Thạnh) “sốt sắng” nhận đứng ra vay ngân hàng 5,5 tỷ đồng với lãi suất quy định. Bà Hương đề nghị bà Nhung ra công chứng ủy quyền sổ đỏ khu đất hơn 4.000m² tại phường Phú Hữu (quận 9). Bà Hương chuẩn bị sẵn bản hợp đồng ủy quyền với người nhận ủy quyền là bà Hoàng Như Vi (con dâu bà Hương, ngụ 482/4 Nơ Trang Long, phường 13, quận Bình Thạnh).

Trước khi ký ủy quyền, bà Nhung phát hiện có nội dung trong hợp đồng ghi: “Chuyển nhượng, cho tặng” và hỏi lại thì được bà Hương trả lời: “Đó là mẫu chung của phòng công chứng, không có vấn đề gì đâu”. Tin lời và để chắc ăn trước khi ký ủy quyền, bà Nhung yêu cầu bà Hương viết cam kết với nội dung: “Ủy quyền vay tiền ở ngân hàng 5,5 tỷ đồng giúp tôi…”.

Có trong tay bản hợp đồng ủy quyền được toàn quyền chuyển nhượng, cho tặng khu đất giá trị hơn 20 tỷ đồng, bà Vi đem đi vay nóng 7 tỷ đồng và chỉ đưa cho bà Nhung 1 tỷ đồng, còn lại bỏ túi xài. Chỉ vài ngày sau bà Nhung phát hiện vụ việc và biết mình bị lừa đã viết đơn tố cáo bà Hương gửi cơ quan công an. Xét về lý bà Hương không có trách nhiệm gì vì không phải là người ký nhận ủy quyền. Tất cả chỉ vì quá tin nhau và quá ham lợi được vay món tiền lớn với lãi suất thấp.

“Bẫy” giăng khắp nơi

Hiện nay, hoạt động của các đường dây “tín dụng đen” có ở khắp nơi. Phổ biến nhất vay “nóng” theo hình thức vay ngày, vay tuần và “vay bạn” – có nghĩa nhiều người góp tiền lại cho một người vay. “Đầu ra” của nguồn “tín dụng đen” khổng lồ này phần lớn đổ vào nhà đất. Tất cả các kiểu “vay nóng” này đều xuất phát từ mối quan hệ quen biết cùng xóm, cùng nhóm làm ăn giới thiệu cho nhau và thông qua “cò”. Trả lãi đúng hẹn được cho là lòng tin bất thành văn mà các đường dây “tín dụng đen” xác lập với nhau. Thế nhưng, chỉ một “mắt xích” – tức một người vay “buông” là cả hệ thống sụp theo. Hậu quả bao giờ cũng đổ hết lên đầu những người vay sau vì nhẹ dạ cả tin, hám lời và thiếu hiểu biết về thị trường “tín dụng đen” đang nổ rộ khắp nơi. Nếu tỉnh táo nhìn lại, với lãi suất “khủng” tới vài trăm phần trăm mỗi năm, làm gì có người tài giỏi nào có thể làm ra lợi nhuận “siêu khủng” đến tới mức có thể trả được lãi hàng tháng, chứ chưa nói đến vốn gốc?

Để người dân không bị sập bẫy “tín dụng đen”, các cấp chính quyền và các cơ quan có trách nhiệm phải vào cuộc một cách quyết liệt, nhanh chóng tìm ra các biện pháp quản lý và phát hiện, ngăn chặn kịp thời các đường dây “tín dụng đen”. Các tổ chức đoàn thể xã hội, hội đoàn nghề nghiệp cần đẩy mạnh tuyên truyền ý thức pháp luật giúp người dân hiểu được tác hại của “tín dụng đen” đối với nền kinh tế và xã hội. Từ đó, khuyến khích người dân tham gia vào các hoạt động sản xuất, kinh doanh đúng đắn, tạo ra lợi ích đích thực cho gia đình và xã hội.

Hoài Nam

Tin cùng chuyên mục