Lời cầu mong muộn màng

Tôi gặp cô, mái tóc dài che nửa khuôn mặt, thật buồn. Nỗi buồn đặc quánh lại trong đêm vắng. Chiếc bóng chập chờn trên tường. Trong sự tương phản sáng tối, bóng của cô gái mang lấy nét đẹp khó tả, hoang dại, giấu kín.
Lời cầu mong muộn màng

Tôi gặp cô, mái tóc dài che nửa khuôn mặt, thật buồn. Nỗi buồn đặc quánh lại trong đêm vắng. Chiếc bóng chập chờn trên tường. Trong sự tương phản sáng tối, bóng của cô gái mang lấy nét đẹp khó tả, hoang dại, giấu kín.

“Em đã là nửa đời hắt bóng. Em tàn phá cuộc đời do lỗi của chính em. Không trách ai”. Cô gái thỉnh thoảng phá vỡ sự im lặng bằng những câu nói dở dang, chợt vang lên, chợt nhói lên. Tôi không cần em phải tàn nhẫn kết tội chính mình. Tại sao em lại tự lấy dao đâm chính trái tim mình? Tôi mến em, khác với nhiều người thường đổ lỗi cho hoàn cảnh. Nhưng có lỗi lầm nào mà không có sự liên quan với chung quanh, phải không cô gái?

Tôi từng đi đến những trung tâm giáo dưỡng các tệ nạn xã hội. Ở Nhị Xuân, ở Củ Chi, rồi ở Đắc Nông... Cô gái là một trong số đó. Xin không nói tên ra đây. Tạm gọi là Châu, nghĩa là viên ngọc. Tôi nghĩ, mục đích của cuộc sống là mỗi con người trở thành viên ngọc. Nhưng thực tế thì không dễ. Châu, với tôi, như vậy là một lời cầu mong. Bởi vì tôi biết được hoàn cảnh gia đình của Châu.

Châu nghiện ma túy. Từ bao giờ, chịu, cha mẹ không biết, người anh trong nhà cũng không biết. Chỉ biết trước đó, Châu học hành sáng dạ. Châu vướng vào hút chích là một “cái tát” choáng váng vỗ vào mặt gia đình. Không thể nào con của một doanh nhân, thường xuyên có những hoạt động đóng góp quỹ này quỹ nọ, lại tự kết liễu tương lai với cái giá như vậy! Đó là một gia đình, tôi tạm gọi, “hướng ngoại” – ưa thích có được sự vỗ tay của mọi người xung quanh. Không còn thời gian cho con. Yêu con bằng tiền, thương con bằng tiền. Những đồng tiền thay mặt cho hình ảnh cha mẹ.

Vì thế, khi phát hiện Châu chảy nước mắt sống, trốn vào nhà tắm cả giờ đồng hồ, cha mẹ ngay lập tức “bế môn tỏa cảng” mọi thông tin bất lợi về con. Một người bà con rất thân, biết được Châu chơi heroin đã khuyên cha mẹ Châu đưa con đi trường, trại cai nghiện. “Không”, cha Châu nói, biện pháp cai nghiện tại gia là hữu hiệu nhất. Mẹ Châu khóc sụt sùi, “làm sao tôi nỡ dứt con ra khỏi vòng tay cho được”. Tôi chứng kiến những lời lẽ quyết liệt nhằm bảo vệ con. Ngay đến người anh của Châu, tự hào mình giỏi giang hiểu biết, cũng không đồng ý cho Châu đi cai nghiện vì “ở trường, trại, người ta đối xử rất lạnh lùng”.

Tôi, lúc đó, cảm thấy cần phải tôn trọng tình cảm thiêng liêng của gia đình. Rồi, đến một sáng sớm nọ, khi hàng xóm còn ngái ngủ, cả gia đình dùng vũ lực để đẩy Châu lên chiếc xe taxi, đưa lên trường trại. Cha Châu giải thích, cai nghiện tại trung tâm thì mới có đủ điều kiện. Mẹ Châu phân tích, phải đưa lên trường để cứu con tôi. Người anh bình luận, ở trường trại người ta có những giải pháp khoa học. Châu đã rớt nước mắt, khóc, khi chia tay: “Em mất gia đình rồi, anh ơi...”. 

Tôi bần thần. Nhốt Châu trong nhà, vì cha mẹ không muốn xấu mặt với mọi người. Đẩy Châu lên trường, vì cha mẹ không muốn sự ồn ào trong những lần Châu lên cơn khiến cho họ mệt mỏi. Thực sự, có lần nào là vì con cái, vì Châu?

“Em tàn phá cuộc đời do lỗi của chính em”. Châu nói đúng, lỗi do thiếu nghị lực. Nhưng trong một ngôi nhà đã đánh mất gia đình, cha mẹ đều chăm bẳm kiếm tiền và danh vọng cá nhân, có đứa con nào không cảm thấy bị lạc lõng, hoang mang? Tôi gọi em là Châu, như một lời cầu mong điều tốt đẹp sẽ đến. Nhưng Châu đã chết, bị nhiễm HIV. Tôi nghe tin em chết mà không dám tin đó là sự thật. Lời cầu mong của tôi không thành.

NGUYỄN

Tin cùng chuyên mục