Trang mạng New Arab đưa tin, nằm ở biên giới của Israel, Palestine và khu vực của người Palestine ở Bờ Tây, biển Chết đang cạn dần từ những năm 1960 khi mực nước giảm 1m/năm và sẽ hoàn toàn khô kiệt trong 30 năm tới.
Sau nhiều năm nghiên cứu, thỏa thuận, ống dẫn nước hòa bình trị giá 1,1 tỷ USD từ biển Đỏ đã được chính quyền Israel, Jordan và Palestine ký kết vào năm 2013. Theo đó sẽ xây dựng một tuyến kênh từ biển Đỏ tới biển Chết, một phần của dự án sẽ cung cấp hàng triệu mét khối nước sạch phục vụ cho các vùng đất bị khô hạn của Israel và Jordan. Dự án tuyến kênh biển Đỏ - biển Chết có tổng chiều dài đường ống là 180km, nguồn vốn chủ yếu từ các nước tài trợ và Ngân hàng Thế giới (WB). Sau khi hoàn thành sẽ có khoảng 200 triệu m3 nước được lấy từ biển Đỏ. Trạm lọc nước ở thành phố Aqaba (Jordan) sẽ được sử dụng để lấy nước ngọt. Israel được hưởng 30 - 50 triệu m3 nước, con số đó với Jordan là khoảng 30 triệu m3. Khoảng 100 triệu m3 nước biển mặn còn lại sẽ được đổ vào biển Chết để bù cho các nguồn nước bị mất.
Tuy nhiên, dự án này đang vấp phải luồng ý kiến trái chiều từ các nhà môi trường. Gidon Bromberg, Giám đốc Tổ chức môi trường Những người bạn của Trung Đông, đồng thời cũng là một luật sư người Israel khẳng định đây không phải là một dự án cứu biển Chết, mà chỉ đơn giản là trao đổi nguồn nước. Israel và Jordan muốn xây dựng mạng lưới cấp nước cho riêng mình và dự án trên là cách thức “tuyệt vời” để kêu gọi nguồn tiền quốc tế. Nhà khí tượng học người Đức Christian Siebert đến từ Trung tâm Nghiên cứu Môi trường Helmholtz cho biết dự án chỉ đáp ứng được 10% lượng nước mất đi. Thêm vào đó, các thử nghiệm cũng cho thấy việc dẫn nước từ biển Đỏ có thể dẫn đến thảm họa sinh thái đối với biển Chết, đó là sự sinh trưởng không kiểm soát được của tảo đỏ và tảo xanh; mối nguy phát tán các loài vi khuẩn; sự biến dạng màu nước từ xanh thành đỏ, cùng với đó là sự hình thành của các lớp tinh thể thạch cao trên bề mặt.
Ông G.Bromberg còn cho rằng phải có một cách tiếp cận khác: Các công ty hóa chất nằm bên bờ biển Chết, đặc biệt là công ty Dead Sea Works/Israel và Arab Potash/Jordan, phải chấm dứt việc lấy hàng triệu mét khối nước để chế ra muối và các loại khoáng chất khác mà chẳng phải mất chi phí nào hết, chỉ việc lấy nước và để bốc hơi. Một luồng ý kiến khác lại cho rằng, nếu muốn cứu biển Chết thì trước hết phải cứu lấy sông Jordan. Để phục hồi con sông này, Israel và Jordan sẽ phải giảm 1/3 lượng nước lấy từ sông Jordan. Đó là điều mà cả hai nước này không dễ gì đồng ý, khi mà nước ở khu vực sa mạc này luôn là một vũ khí, một công cụ quyền lực chi phối mọi mặt trong đời sống xã hội - chính trị - kinh tế.