Lời con trẻ

“Mẹ không được gọi con là nó. Tại sao ba có lỗi mà không chịu xin lỗi. Tại sao ông bà vào phòng con mà không gõ cửa?”. Nghe cậu con trai học lớp 3 phản ứng và thường đặt câu hỏi “Tại sao ?”, vợ chồng tôi lẫn ông bà của cháu giật mình vì cách xưng hô, ứng xử của người lớn nhiều khi chưa phù hợp.

Đến trường, cháu được dạy nết ăn, nết ngủ, cách xưng hô, cách ứng xử văn minh và thường xuyên nói lời xin lỗi, cảm ơn… Vì thế, khi về nhà thấy người lớn không làm như những gì cháu được học nên cháu hay điều chỉnh mọi người và tỏ ra không hài lòng. Không những thế, cháu còn nhắc nhở ông bà ngoại khi làm gì không đúng với cháu cũng phải xin lỗi và cháu đưa cái gì ông bà cũng phải cảm ơn. Nhiều khi thấy cu cậu áp dụng những điều đã học một cách hơi máy móc, cả nhà phì cười nhưng cũng làm theo cháu. Bởi lẽ, nếu làm ngược lại hoặc phớt lờ yêu cầu của cháu thì sẽ làm giảm ý nghĩa và những điều tốt đẹp mà cháu được giáo dục tại trường.

Ba vốn sinh ra ở miền quê chân chất và quen gọi con bằng “nó hoặc mày và xưng tao” thì không dễ sửa cách xưng hô dân dã này. Nhưng trước yêu cầu của con và nhận thấy người lớn cũng phải học con trẻ cách ứng xử văn minh nên cha cháu cũng phải gắng sửa những thói quen không phù hợp, kể cả bỏ hút thuốc lá.

Thì ra những lời cảm ơn, xin lỗi giản đơn như thế nhưng không dễ phát thành lời nếu chúng ta không chịu học từ nhỏ và không coi nó là chất liệu văn hóa của cuộc sống văn minh. Thời nay, con cái chúng ta có điều kiện học tập, trải nghiệm trong môi trường giáo dục tiên tiến nên chúng có nhận thức đúng và đòi hỏi cha mẹ phải tôn trọng, ứng xử với con cái theo đúng chuẩn mực. Nếu gia đình nào vẫn giữ quan niệm “ trứng không thể khôn hơn vịt” thì khó điều chỉnh những cái vênh về cách ứng xử, xưng hô… giữa cha mẹ và con cái. Học con cái và điều chỉnh những cái vênh này không phải là chuyện nhỏ nếu người lớn không gương mẫu, không đồng hành với trường học.

Bảo Anh

Tin cùng chuyên mục