Thời gian gần đây, tại TPHCM số lượng người đi ăn xin trên đường phố tăng rõ rệt. Xuất hiện nhiều người khuyết tật, trẻ em hay phụ nữ bế trẻ sơ sinh vào các quán ăn hay tại các nơi đông người qua lại. Có những người có hoàn cảnh cùng cực, nhưng cũng có không ít người lợi dụng lòng nhân ái của cộng đồng.
Hàng ngày, chừng 16 giờ, một người đàn ông khoảng 50 tuổi, chạy chiếc xe Wave màu xanh cũ kỹ, biển số đã mờ, chở một bà cụ chừng 70 tuổi tấp vào con hẻm đường đất, hướng đi vào cổng cũ Trường ĐH KHXH-NV TPHCM (địa phận huyện Dĩ An, tỉnh Bình Dương). Sau đó bà cụ chống gậy bắt đầu một ngày ăn xin. Hầu như ngày nào bà cũng chống gậy đi xin ở khu vực này, bất kể nắng mưa. Tuy sinh viên không nhiều tiền, nhưng thương người, với lại số lượng sinh viên ở đây rất đông, nên mỗi ngày bà cũng kiếm được vài trăm ngàn đồng, hơn cả thu nhập của người lao động.
Khi xin tiền, bà thường nói rằng hoàn cảnh không có con cái, già rồi không làm được gì, cho bà xin ít tiền để sống qua ngày. Một số người dân cho chúng tôi hay thường nhìn thấy cụ có người thân chở đi, rước về và cùng đưa nhau vào quán ăn. Chứng kiến những lúc như vậy, mới hay hoàn cảnh bà cụ này không đáng thương, ngược lại, họ đầy mãn nguyện và hả hê với việc ăn xin chuyên nghiệp của bà cụ.
Buổi tối, tại quán ốc ở ngã ba gần ký túc xá ĐH Quốc gia TPHCM khu A, chúng tôi thấy một cô bé chừng 15 - 16 tuổi, ăn mặc xốc xếch, xách theo một cái xô nhựa có đậy nắp, bên trong là những hũ rau câu dừa, vừa đi vừa mời khách với vẻ mặt tội nghiệp.
Do đã được bạn đọc phản ánh từ trước nên khi được mời, chúng tôi từ chối mua, cô bé cứ thế nắm tay áo nài nỉ tha thiết, sau khi chúng tôi trả lời dứt khoát rằng không mua, cô bé đổi ngay sang vẻ mặt tức giận, ném cái nhìn đe dọa về phía chúng tôi, trước khi quay đi, cô bé còn buông ra lời chửi thề tục tĩu. Chúng tôi định phản ứng lại thì nhận được sự can ngăn của chị phục vụ quán. Chị cho hay những đứa trẻ bán hàng ở đây đều có tụi bảo kê đứng từ xa theo dõi, vừa để ra mặt khi cần ép khách phải mua, vừa để giám sát chúng.
Tại quán lẩu Bách Thảo ở đường Lê Văn Việt (quận 9), chúng tôi thấy một bé trai chừng 4 tuổi mang theo xấp vé số đi vào từng bàn chìa ra mời mà không nói gì. Thấy tội nghiệp nên một khách trong quán gọi bé lại mua vài tờ vé số và hỏi bé có biết đếm tiền không? Cậu bé chỉ bẽn lẽn lắc đầu. Nhưng tức thì từ ngoài cửa quán có một phụ nữ đi vào tự xưng là mẹ cháu, nhanh nhảu thối tiền cho khách. Chúng tôi hỏi vì sao chị ta không tự bán mà để cháu bé phải đi chào mời vất vả như vậy thì được trả lời: “Hắn nhỏ nên hắn bán người ta thương mua nhiều hơn”.
Hiện đang có nhiều người kiếm sống bằng cách lọc lừa như vậy, khiến người dân phải cảnh giác, xem xét ai có hoàn cảnh thực sự đáng thương, ai lừa lọc và giúp đỡ những người nghèo khổ, túng quẫn thật. Những hành vi lợi dụng lòng nhân ái, nhẫn tâm bóc lột sức lao động của người già, trẻ em là sự kiếm tiền phi nhân tính, cần được ngăn chặn, xử lý.
BÍCH NGUYỆT