Lời hứa đi đôi với việc làm?

Lời hứa của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hôm 22-9 về việc nước này sẽ “dẫn dắt thế giới” hướng tới một tương lai khí hậu an toàn hơn, theo đó nước này sẽ đạt mức khí thải CO2 bằng 0 vào năm 2060, đã tạo hiệu ứng khá “sốc”. 

Theo mạng Channel News Asia, đây là lần đầu tiên Trung Quốc công bố kế hoạch khí thải CO2. Tuy nhiên Chủ tịch Trung Quốc không công bố lộ trình thực hiện kế hoạch này trong khi đây là quốc gia có tốc độ tăng trưởng dựa nhiều vào nhiên liệu hóa thạch và được xem là thải khí CO2 nhiều nhất thế giới. Báo cáo của Liên hiệp quốc cho thấy, tuy là nhà đầu tư lớn nhất thế giới vào năng lượng tái tạo nhưng nước này cũng chịu trách nhiệm về 1/4 lượng phát thải khí nhà kính trên thế giới liên quan đến sự nóng lên toàn cầu. 

Theo các nhà quan sát, than đá là động lực chính thúc đẩy sự trỗi dậy phi thường của kinh tế Trung Quốc. Từ năm 1990 đến năm 2015, lượng than tiêu thụ hàng năm tăng gần gấp 4 lần, cung cấp 70% năng lượng cho Trung Quốc. Các nhà lãnh đạo của Trung Quốc đã cố gắng giảm sự phụ thuộc của nền kinh tế nước này vào than và hiện chiếm chưa đến 60% cơ cấu năng lượng của Trung Quốc. Nhưng với nền kinh tế vẫn đang phát triển, tổng lượng than bị đốt tiếp tục tăng. Chưa kể, việc phê duyệt các dự án chạy than lại tăng tốc trong năm nay khi chính quyền địa phương cố gắng cứu nền kinh tế bị ảnh hưởng do dịch Covid-19. 

Global Energy Monitor (GEM), một tổ chức phi chính phủ về môi trường có trụ sở tại San Francisco, Mỹ, cho biết, các chính quyền địa phương tại Trung Quốc đã phê duyệt các dự án điện than mới trị giá 23 gigawatt trong nửa đầu năm 2020, nhiều hơn số lượng 2 năm trước đó cộng lại.

Trong khi đó, theo Cơ quan Năng lượng quốc tế, việc xây dựng một nhà máy nhiệt điện than mới và một nhà máy phong điện hoặc điện mặt trời có giá tương đương nhau. Trung Quốc là nhà đầu tư lớn nhất thế giới vào năng lượng tái tạo nhưng nghịch lý là nhiên liệu tái tạo chỉ chiếm khoảng 15% mức tiêu thụ năng lượng của quốc gia này.

Theo Kevin Tu, nhà nghiên cứu tại Trung tâm Chính sách năng lượng toàn cầu thuộc Đại học Columbia (Mỹ), gió và mặt trời chỉ chiếm 7,7% tổng sản lượng điện quốc gia của Trung Quốc vào năm 2018. Việc đầu tư vào việc lắp đặt mới các nhà máy năng lượng mặt trời và gió cũng đã giảm trong 18 tháng qua. Kế hoạch lắp đặt điện mặt trời đến tháng 8 năm nay chỉ gần bằng phân nửa so với năm 2019.

Hơn thế nữa, các công ty than của Trung Quốc cũng đang xây dựng các dự án ở nước ngoài như một phần của Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI). Điều đó có thể làm triệt tiêu ý nghĩa những nỗ lực của Trung Quốc trong việc giảm khí thải toàn cầu. Tuy nhiên, theo ông Myllyvirta, với việc Trung Quốc có ngành công nghiệp năng lượng tái tạo, ngân sách đầu tư và cơ sở công nghiệp lớn nhất thế giới, việc đạt mục tiêu khí thải CO2 bằng 0 là hoàn toàn có thể đạt được. Theo ông, vấn đề là các nhà lãnh đạo Trung Quốc có ý chí chính trị để cách mạng hóa nền kinh tế hay không mà thôi.

Tin cùng chuyên mục