Có thể nói phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Quốc hội trong 3 ngày vừa qua đã đề cập cơ bản những vấn đề nóng hiện nay mà nhân dân cả nước quan tâm. Từ hệ lụy trầm trọng của quy hoạch - xả lũ của thủy điện gây thiệt hại lớn cho đời sống người dân; từ vụ án chấn động 10 năm ngồi tù oan của ông Nguyễn Thanh Chấn; từ vụ án Thẩm mỹ viện Cát Tường đau lòng không chỉ ngành y mà đau lòng toàn xã hội; từ việc tăng cước 3G đáng nghi ngờ... đến vấn nạn chạy chức chạy quyền; vụ Ngân hàng Chính sách xã hội tiếp tay cho nhà “ngoại cảm”... Tất cả những thực tế nhức nhối nhất của cuộc sống, thể hiện qua từng vụ việc điển hình, đỉnh điểm của bức xúc trong đời sống xã hội đều đã được lột tả một cách rõ ràng qua từng câu hỏi chất vấn của đại biểu Quốc hội (ĐBQH).
ĐB Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) hôm qua khi chất vấn Chánh án TAND tối cao Trương Hòa Bình đã cho rằng hàng chục ngàn đơn xin đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm phải chăng là biểu hiện cho thấy niềm tin của người dân về công lý là chưa cao và cần phải làm gì để lấy lại lòng tin đó. ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm (TPHCM) thì yêu cầu Chính phủ trả lời có hay không đạo đức xã hội xuống cấp. ĐB Danh Út (Kiên Giang), ĐB Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng) hỏi rằng có hay không 30% cán bộ, công chức không làm được việc khiến Nhà nước lãng phí tới 17.000 tỷ đồng/năm…
Tất cả những câu hỏi đó đều để nói lên một điều, nhân dân đang chưa hoàn toàn yên tâm với bộ máy công quyền và đòi hỏi phải có sự chấn chỉnh, tự nhìn lại một cách thực sự nghiêm túc của cả hệ thống để củng cố lòng tin của nhân dân. Nói như kết luận của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng: “Nghị quyết Đảng đã nói “bộ phận không nhỏ” cán bộ, công chức có tiêu cực. Đó là điều hết sức nhức nhối. Trách nhiệm của Bộ Nội vụ là phải làm rõ tham nhũng, tiêu cực là ở bộ phận nào? Cụ thể là bao nhiêu và không ai khác, Bộ Nội vụ phải là người “cầm trịch” trong triển khai chống tiêu cực, nhũng nhiễu trong bộ máy hành chính và cần có nhiều biện pháp hơn nữa để hạn chế tình trạng này”.
Xuyên suốt qua từng câu hỏi chất vấn của ĐBQH đã thể hiện tâm tư, nguyện vọng, ý chí của đồng bào cử tri và nhân dân cả nước về những vấn đề trên. Xuyên suốt phiên chất vấn cũng có thể thấy, trong yếu kém của từng lĩnh vực khiến nhân dân giảm sút lòng tin vào bộ máy hành chính cũng như công tác quản lý nhà nước, người dân mong đến nhường nào việc chỉ rõ những địa chỉ chịu trách nhiệm cụ thể. Đúng như ĐB Nguyễn Thị Khá (Trà Vinh) đã yêu cầu, phải tránh được tình trạng “tốt là của tôi; còn hậu quả, khuyết điểm, trách nhiệm là của chúng ta”. Nhưng dường như, qua những phần trả lời chất vấn của các vị trưởng ngành, địa chỉ chịu trách nhiệm của thủy điện xả lũ, của các vụ án oan, của tham nhũng, tiêu cực trong đội ngũ cán bộ công chức, của đạo đức xã hội xuống cấp... vẫn chưa thể rõ ràng.
ĐBQH Nguyễn Thái Học (Phú Yên) đã từng chỉ ra, trong các báo cáo của Chính phủ khi đề cập đến những tồn tại, hạn chế, yếu kém, Chính phủ thường nêu nguyên nhân là do kỷ luật, kỷ cương chưa nghiêm hoặc không nghiêm. Kỷ luật, kỷ cương không nghiêm trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng làm cho tình hình tham nhũng không được ngăn chặn và đẩy lùi. Kỷ luật, kỷ cương chưa nghiêm trong hành chính nhà nước làm cho bộ máy nhà nước ngày một phình ra nhưng hoạt động kém hiệu quả. Việc buông lỏng quản lý nhiều năm nay ở các cấp, các ngành trên nhiều lĩnh vực như tài chính, ngân hàng, tiền tệ, đất đai, quyết định đầu tư, trong quản lý vốn tài sản nhà nước và các doanh nghiệp… không chỉ làm ảnh hưởng, cản trở sự phát triển kinh tế - xã hội mà còn gây bất an cho nhân dân.
Điều đó cho thấy, nếu như chưa chỉ rõ trách nhiệm của từng vị trưởng ngành, từng ngành, từng vị trí cán bộ công chức để tạo nên sự chuyển biến tích cực trong thực thi nhiệm vụ của mình thì chưa thể hy vọng sớm lấy lại lòng tin của người dân. Cũng như yêu cầu của Chủ tịch Quốc hội, dân mong biết bao Quốc hội, Chính phủ làm rõ các tiêu cực ngay trong bộ máy cơ quan nhà nước và xử lý nghiêm minh. Chỉ khi làm được điều đó mới nâng cao được hiệu lực quản lý nhà nước, lấy lại niềm tin của nhân dân, xóa bỏ được những bất an trong tâm lý xã hội. Và đó là điều mà cử tri, nhân dân cả nước mong được nhìn thấy sau những phiên chất vấn ở nghị trường hơn là nghe mãi những lời hứa để rồi “nợ đọng” lời hứa.
LÂM NGUYÊN