Dạy cháu dễ, dạy con mới khó
Ông anh của tôi còn kể rằng, trước đây anh từng dạy mấy đứa cháu và đến giờ tất cả đều ngoan. Ngày xưa, khi mấy đứa cháu không vâng lời hoặc chúng không chịu ăn cơm, thỉnh thoảng anh còn phạt đứng trong vòng tròn khoanh tay lại hơn nửa giờ và rồi sau đó phải xin lỗi, mới được bỏ qua. Thậm chí, hôm nào đứa cháu bướng quá, anh còn lấy roi tầm vông đánh vào mông mấy cái cho chừa. Đến khi mấy đứa cháu lớn khôn, học hành thành tài, sau này cũng có đôi khi nhắc lại “chuyện xưa” và đều khoái chí: “Con được dạy như vậy nên mới chịu khó học hành thành tài, chứ không chẳng biết bây giờ thế nào rồi nữa!”.
Nhưng bây giờ, với những đứa con của anh đang trong tuổi ăn tuổi lớn, học đòi đủ thứ thì anh bảo: “Nhiều khi nghĩ, bây giờ làm kiếm tiền không cực bằng việc dạy con!”. “Vậy những điều gì anh dạy mà bé không nghe lời?” - tôi thắc mắc. “Thì sau giờ học cứ thích chơi game, lười học bài. Sáng ngủ dậy trễ, đi học trễ… Ôi thôi đủ thứ chuyện hết, mệt lắm!”, anh nói bằng giọng có vẻ chán nản.
Cha mẹ tăng đối thoại, vui chơi cùng con trẻ để tạo sự gắn kết yêu thương
Còn tình cảnh dạy con của bạn tôi thì rơi vô chuyện học hành. Bạn tôi thì muốn cậu con trai (độc nhất) cố gắng học hành cho giỏi để sau này chuyên sâu một chuyên ngành nào đó. Thế nhưng, mới học đến lớp 9 thì cậu con trai bảo: “Con muốn nghỉ học, con hết học nổi nữa rồi!”. Vậy là cả nhà bị một phen mất ăn mất ngủ… Sau mấy tuần suy nghĩ, bàn tính trong gia đình, cuối cùng bạn tôi đành chấp nhận và đưa ra đề nghị: “Chấp nhận cho nghỉ học chữ, nhưng phải đi học nghề để sau này con có thể tự lo cho chính mình!”.
Đâu là giải pháp?
Người lớn thường hay chủ quan hoặc bảo thủ, luôn cho rằng ý kiến của mình bao giờ cũng là đúng… và đúng, nên ít khi quan tâm đến những ý kiến khác của con trẻ. Thành thử, từ sự chủ quan đó mà đôi khi giữa cha mẹ và con trẻ dễ xảy ra những tranh luận không đáng có. Cho nên, theo các chuyên gia tâm lý, khi có sự chưa đồng nhất giữa cha mẹ và con cái, thì người lớn cũng phải chịu khó lắng nghe ý kiến của con trẻ rồi sau đó từ từ có giải pháp phân tích cái nào đúng, cái nào sai cho con biết, chứ không nên phủ quyết hoàn toàn ý kiến của con. Nếu trong cuộc sống hàng ngày, mỗi khi con cái nói điều gì, chưa chi cha mẹ đã phủ quyết hết, thì dần dần con trẻ sẽ mất tự tin với chính mình và ngại bày tỏ chính kiến với người lớn. Như vậy, nếu không khéo sẽ làm cho khoảng cách giữa cha mẹ và con cái ngày càng lớn hơn. Thậm chí, khi con cái không chịu bày tỏ chính kiến của mình thì cũng đồng nghĩa với việc cha mẹ lại càng không biết được suy nghĩ của con mình như thế nào. Cho nên, đến khi có sự việc gì xảy ra, cha mẹ khó lòng biết được tính tình của con trẻ và rất khó giải quyết “cho vừa lòng nhau”. Chính vì vậy, trong gia đình, đôi khi cha mẹ hãy là những người bạn với con, dành thời gian chơi với con để tăng sự gắn kết, sẻ chia và thêm hiểu con trẻ hơn.
Với câu chuyện của ông anh tôi kể trên, sau khi nghe những tâm sự của anh, tôi cũng đưa ra khá nhiều câu hỏi: “Hàng ngày, anh/chị có dành thời gian nói chuyện với con như những người bạn không?”, “Ngoài chơi game, anh/chị có dành thời gian cho con trẻ đi đâu chơi không?”, “Khi con trẻ làm được việc gì tốt, anh/chị có dành những lời khen động viên, khích lệ tinh thần không?”, “Anh/chị có thường nói những lời ngon ngọt với con trẻ hay chỉ cáu gắt, la mắng?”… Khi nghe hỏi vậy, ông anh tôi nhìn nhận, đúng là anh/chị ít dành thời gian chơi với con trẻ, ít trò chuyện như những người bạn với con, nên mới như vậy. Sau đó, ông anh tôi thay đổi cách sống, tăng đối thoại, trò chuyện với con nhiều hơn, thường xuyên khích lệ tinh thần con… Rồi ngày qua ngày, tính cách con cái của anh cũng dần thay đổi theo, không khí gia đình cũng vui vẻ hơn, nhiều tiếng cười hơn.
Còn với trường hợp của người bạn tôi, sau khi con nghỉ học ở nhà, ai nấy trong gia đình cũng đều tỏ ra lo lắng. Riêng bạn tôi giữ vẻ bình tĩnh “trụ cột” trong gia đình: “Ba tôn trọng ý kiến của con. Con muốn học nghề gì, ba sẽ tạo điều kiện cho con học nghề đó!”. Sau đó, cậu con trai của bạn được cho đi học nghề điện tử, sau mấy tháng lại nghỉ, rồi đến học nghề điện lạnh, cũng không được mấy tuần. Nhưng cũng may, trong một lần gia đình có tiệc, mời mấy thầy đờn tới nhà đờn hát cho vui, ai ngờ cậu con trai lại khoái… đờn và rồi từ đó bén duyên luôn với cây đờn ghi-ta cho tới giờ. Dạo gần đây, thấy bạn vui hơn trước, tôi tò mò hỏi thì mới được bạn tiết lộ: “Con trai mình đờn cũng được lắm. Chắc là tổ nghề chọn nó rồi. Thôi kệ, học nghề nào cũng tốt, miễn là không ăn chơi hư hỏng là được rồi!”.
Rõ ràng, trong cuộc sống, ông bà xưa thường nói: “Dạy trẻ từ thuở còn thơ…”, thật chẳng sai chút nào. Cho nên, nếu chẳng may, từ thuở còn thơ, cha mẹ chưa dành nhiều thời gian dạy bảo con cái thì trong cuộc sống hãy kịp nhìn nhận để làm bạn với con, tăng đối thoại với con, mới mong giúp con ngày càng hoàn thiện mình hơn!