Chưa bao giờ vấn đề lãi suất trở nên nóng bỏng, gây nhiều tranh luận như hiện nay. Sau khi tân Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố sẽ “kéo giảm lãi suất cho vay về mức 17% - 19%/năm” lãi suất thị trường có giảm nhưng khối lượng cho vay còn rất hạn chế. Với quy mô GDP nền kinh tế nước ta đạt khoảng 105 tỷ USD (năm 2010), việc một số ngân hàng thương mại công bố dành vài ngàn tỷ đồng cho vay với mức lãi suất 17% - 19%/năm là khá khiêm tốn, có vẻ như là liều thuốc “an thần” hưởng ứng chủ trương giảm lãi suất hơn là tạo động lực thực sự để gỡ khó sản xuất kinh doanh trong bối cảnh hiện nay.
Việc kéo giảm lãi suất còn gặp các rào cản khác: Chỉ số CPI vẫn còn khá cao nên khó thu hút tiền gửi dân cư với lãi suất 14%/năm. Không thu hút nguồn vốn giá thấp thì không thể cho vay giá thấp. Điều này thể hiện rõ qua việc “chặn” trần lãi suất huy động không vượt quá 14% thì lãi suất liên ngân hàng lập tức bung mạnh để bù đắp thiếu hụt thanh khoản nguồn huy động vốn với lãi suất xé rào trước đây!
Thật ra cuộc tranh luận về lãi suất đã diễn ra khá sôi động từ lâu, trước khi có thông điệp về kéo giảm lãi suất của Ngân hàng Nhà nước. Phía ủng hộ giảm cho rằng phải giảm nhanh lãi suất khi CPI đã có xu hướng giảm để “cứu” doanh nghiệp. Một số chuyên gia còn viện dẫn số liệu khá ấn tượng về số doanh nghiệp phá sản (chưa được kiểm chứng về độ tin cậy) nhằm gây sức ép giảm lãi suất. Một số khác cho rằng giảm ngay lãi suất khi xu thế giảm CPI chưa chắc chắn mà tung tiền ra lưu thông, nới lỏng đầu tư công sẽ lặp lại sai lầm trước đây, kích hoạt tái bùng phát lạm phát mà nay ta phải chật vật đối phó.
Năm 2009, trong bối cảnh bị tác động bởi khủng hoảng tài chính thế giới, nước ta đã tung ra gói kích cầu chống suy giảm kinh tế, đã đưa GDP tăng 5,32% - thuộc nhóm nước tăng trưởng cao trên thế giới - nhưng lạm phát bắt đầu vượt lên, cao hơn tăng trưởng: 6,88%. Năm 2010, GDP nhích lên trên 6,5% nhưng lạm phát tăng đến 2 con số: 11,75%. Năm 2011 nước ta xác định mục tiêu tăng trưởng 7% - 7,5% nhưng tính đến cuối tháng 8 lạm phát đã lên đến 15,68%, đang đe dọa chỉ tiêu lạm phát cả năm là 17%! Chỉ số CPI đã điều chỉnh tăng 2 lần (từ 7% lên 10% rồi 17%) và khó có khả năng đạt nhưng chỉ tiêu GDP lại điều chỉnh giảm (từ 7% - 7,5% xuống còn 6%) là một thực tế đáng suy ngẫm và cần xem xét cẩn trọng trong điều hành chính sách.
Bởi nếu nới lỏng Nghị quyết 11, tung tiền ra để kích hoạt, “làm đẹp” chỉ tiêu tăng trưởng (với số tăng hạn chế) nhưng lạm phát bùng phát mạnh thì sự tăng trưởng ấy không có ý nghĩa, mà nó còn làm đa số người dân tầng lớp thu nhập thấp khốn đốn hơn. Việc kiến nghị nới lỏng chính sách tiền tệ thời gian qua còn có biểu hiện của “lợi ích nhóm”.
Nhiều cuộc hội thảo với chủ đề này đã được tổ chức khá sôi động thời gian qua. Và nhiều người đã biện giải, bày tỏ hẳn thái độ trên các phương tiện thông tin đại chúng là Nhà nước nên cứu thị trường này, lĩnh vực kia... một cách rất cụ thể, mà không xem xét trên bình diện chung là giải pháp đó có tác dụng bình ổn vĩ mô hay tiếp tục làm bất ổn vĩ mô. Mà đây lại là vấn đề rất quan trọng, cốt tử nền kinh tế đang đối mặt, đòi hỏi phải tái cấu trúc lại theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả trong cả giai đoạn từ nay đến năm 2015.
Có kiên trì với các mục tiêu đề ra trong Nghị quyết 11 của Chính phủ hay nới lỏng, tháo khoán từng bước... là mối quan tâm không những đối với giới nghiên cứu, các chuyên gia trong nước mà còn là vấn đề nhạy cảm hàng đầu đối với các tổ chức quốc tế, các đối tác tài trợ cho Việt Nam. Bởi lẽ, nếu không ngăn chặn được lạm phát, chưa nói đến hiệu quả đầu tư ra sao khi họ đổ vốn vào nước ta, mà ngay lập tức tài sản của họ sẽ “bốc hơi” theo chỉ số lạm phát!
Tại Hội nghị tham vấn đối tác phát triển về tình hình kinh tế vĩ mô Việt Nam mới đây được tổ chức tại Hà Nội, chuyên gia của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam đã phát biểu: Nền kinh tế Việt Nam đang đối mặt với thách thức lớn khi lạm phát tăng 23% so với cùng kỳ, mức cao thứ 2 tính từ năm 1993 đến nay. Việt Nam đang có mức lạm phát cao nhất châu Á! Đại diện Quỹ Tiền tệ quốc tế khuyến cáo: Chính phủ Việt Nam nên tập trung tìm giải pháp về chính sách tiền tệ để kỳ vọng lạm phát giảm xuống, tăng niềm tin vào tiền đồng, khi đó mới có cơ sở kéo lãi suất xuống. Khuyến nghị chung là Chính phủ cần thực hiện chính sách tiền tệ thắt chặt, tăng cường kỷ luật và nâng cao hoạt động của doanh nghiệp Nhà nước, minh bạch đầu tư công...
Kết luận hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: Chính phủ Việt Nam nhận thức rõ kết quả, thành tựu đạt được, đồng thời nghiêm túc thấy rõ những khó khăn, thách thức, tồn tại của nền kinh tế Việt Nam cũng như trong điều hành của Chính phủ. Thủ tướng khẳng định trong thời gian tới sẽ thực hiện tốt hơn, hiệu quả hơn Nghị quyết 11; tập trung ưu tiên hàng đầu là kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô; “sẽ không chạy theo tốc độ tăng trưởng mà xem tăng trưởng GDP là một nội dung để ổn định kinh tế vĩ mô”.
Câu trả lời của người đứng đầu Chính phủ rất rõ ràng, việc điều hành nền kinh tế trước mắt và trong năm tới không quá câu thúc vào chỉ tiêu tăng trưởng cao. Điều này thể hiện cụ thể tại Nghị quyết phiên họp thường kỳ tháng 8 của Chính phủ ban hành ngày 8-9, Chính phủ định hướng cụ thể một số chỉ tiêu chủ yếu năm 2012: Tốc độ tăng trưởng kinh tế 6,5%; nhập siêu, bội chi ngân sách nhà nước thấp hơn năm 2011; đặc biệt kiềm chế CPI tăng dưới 10%; tiếp tục nhất quán triển khai chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa chặt chẽ...
Tín hiệu trên cho thấy sẽ không có ưu tiên nào cho các “lợi ích nhóm” mà tập trung ổn định vĩ mô là nhiệm vụ hàng đầu. Điều này còn thể hiện sự quyết tâm cao trong việc tái cơ cấu nền kinh tế, hướng đến sự phát triển bền vững, chất lượng.
LÊ TIỀN TUYẾN