Thời buổi kinh tế thị trường, thật không công bằng nếu quy tiền chuyển nhượng của một cầu thủ ra số trâu, bò của một gia đình nông dân. Sự nghiệp cầu thủ không dài, thời đỉnh cao cũng chỉ được vài năm nên họ có quyền được hưởng thu nhập lớn hơn vài chục lần so với những công việc khác. Trung bình, một cầu thủ nếu đang khoác áo đội tuyển sẽ có mức chuyển nhượng khoảng 5 - 10 tỷ đồng cho một hợp đồng 3 năm. Đấy là chưa tính tiền lương tầm 40 triệu đồng/tháng và có thêm các khoản thưởng khi thi đấu.
Kỳ thực, khoản thu nhập lớn đó không phản ảnh đúng giá trị của một cầu thủ. Nó xuất phát từ sự thiếu hụt từ khâu đào tạo của các câu lạc bộ. Mô hình hiện nay của đa số các đội bóng do doanh nghiệp quản lý và họ đã chi thật nhiều tiền cho hoạt động mua bán cầu thủ thay vì phải đầu tư đào tạo tốn kém thời gian. Mỗi mùa bóng, riêng ngân sách chuyển nhượng đã hơn 20 tỷ đồng. Tài năng không nhiều, nhu cầu quá cao, nên cứ thế giá các sao tăng vù vù đến mức gần như không tưởng.
Những bản hợp đồng gây choáng váng ấy đã phản ảnh những bất ổn trong nền bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam. Nó tạo ra một khoảng cách về thu nhập trong xã hội và cả quy chuẩn đạo đức.
Thí dụ, trường hợp Phan Văn Tài Em nhiều khả năng sẽ rời khỏi Long An chỉ vì CLB không đáp ứng yêu cầu lương bổng. Cựu Quả bóng vàng Việt Nam này là một biểu tượng của đội bóng, cùng với tiền vệ Minh Phương. Sự ra đi sau 10 năm thi đấu cho quê hương sẽ làm người yêu bóng đá Long An buồn nhớ, thất vọng. Phía đội ĐT.LA đã có đề nghị giữ chân Tài Em và Minh Phương nhưng số tiền họ đưa ra không nhiều so với những lời mời gọi đến từ những đội bóng khác. Khi sự chênh lệch về mức chuyển nhượng quá lớn, trái tim không thắng nổi lý trí. Mới mùa giải trước, chính ĐT.LA đã phải chấp nhận để Nguyễn Việt Thắng ra đi vì lý do tương tự.
Điều đáng tiếc là chưa có bất kỳ sự can thiệp nào từ các tổ chức quản lý bóng đá, hoàn toàn thả nổi theo quy luật thị trường. Việc thả nổi thị trường chuyển nhượng cũng đồng nghĩa khâu đào tạo bị xem nhẹ, tài năng bóng đá ngày càng ít đi, trình độ cầu thủ ngày càng đi xuống. Sự ra đi bằng các hợp đồng “bom tấn” ấy ngoài việc làm tổn thương các giá trị tình cảm đối với đội bóng đã đào tạo ra họ, còn gây ra những nghi vấn trong xã hội. Và cuối cùng, tung thật nhiều tiền cho thị trường chuyển nhượng chỉ là cách làm “hớt ngọn” của nhiều đội bóng hiện nay. Họ chỉ cần mua thật nhiều cầu thủ giỏi, tốn nhiều tiền để làm sao đoạt các thứ hạng cao nhất trước mắt. Còn sau đó đội bóng ra sao sẽ tính sau. Cách làm này có căn cơ, bài bản?
Việt Tâm