Lợi ích và rủi ro

Trong chương trình nghị sự của Hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) dự kiến diễn ra trong 2 ngày 24 và 25-5 tại Brussels (Bỉ), chủ đề Chứng chỉ xanh kỹ thuật số (hộ chiếu Covid-19) châu Âu - công cụ tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại trong nội khối, sẽ được đưa ra thảo luận.

Nếu các nước đạt được thỏa thuận về vấn đề này, chứng chỉ trên cần được Nghị viện châu Âu thông qua tại cuộc họp dự kiến diễn ra từ ngày 7 đến 10-6 tại Strasbourg (Pháp), trước khi có hiệu lực vào ngày 1-7. 

Chứng chỉ trên không phải là điều kiện tiên quyết để di chuyển tự do mà tạo điều kiện cho việc đi lại. Đây là bằng chứng của việc tiêm phòng, xét nghiệm PCR âm tính hoặc xét nghiệm PCR dương tính ở thời điểm gần nhất. Một người được coi là hoàn thành việc tiêm chủng khi đã được tiêm 2 liều vaccine (ngoại trừ của hãng Johnson & Johnson, chỉ yêu cầu 1 liều). 

Về nguyên tắc, hộ chiếu Covid-19 của châu Âu sẽ tự hủy sau 12 tháng có hiệu lực. Hội đồng châu Âu không muốn điều khoản tự hủy này trong khi Ủy ban châu Âu đề xuất nên kéo dài hiệu lực của chứng chỉ đến khi Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tuyên bố kết thúc đại dịch. Dự kiến, thời gian chuyển tiếp kéo dài khoảng 6 tuần đối với việc cấp chứng chỉ để các quốc gia có thể điều chỉnh hệ thống của mình. Trên thực tế, một số nước muốn trì hoãn vì chưa sẵn sàng áp dụng chứng chỉ này trước trung tuần tháng 8.

Khá nhiều thành viên EU, nhất là những nước có nền kinh tế phụ thuộc vào du lịch như Hy Lạp, Tây Ban Nha, hào hứng với loại chứng chỉ này khi kỳ nghỉ hè ở châu Âu đang tới gần. Lợi ích kinh tế mang lại khá rõ, nhưng cũng không ít nỗi lo. Tại thời điểm hiện tại, WHO không muốn coi việc tiêm vaccine hoặc hộ chiếu vaccine là yêu cầu để xuất nhập cảnh bởi chưa có đủ cơ sở dữ liệu để đảm bảo chắc chắn về hiệu quả ngăn ngừa Covid-19 của vaccine hiện hành. Việc những người đã tiêm vaccine vẫn mắc Covid-19 hoàn toàn có thể xảy ra, dẫn tới có thể gây rủi ro lây bệnh cho người khác. Vì vậy, WHO đã khuyến cáo không nên sử dụng chứng nhận tiêm chủng vaccine Covid-19 để tiếp cận  dịch vụ du lịch quốc tế.

Cũng không phải tất cả công dân châu Âu đều đồng tình với loại chứng chỉ này, một phần do e ngại độ an toàn của vaccine. WHO ghi nhận trong tháng qua, số ca mắc Covid-19 mới ở châu Âu đã giảm 60%. Tuy nhiên, tổ chức này đánh giá xu hướng này khá mong manh giữa lúc các nước đẩy mạnh nới lỏng biện pháp hạn chế, mở cửa trở lại và nhiều nhóm tụ tập đông đúc… 

Tin cùng chuyên mục