Sau thời gian tạm lắng, tình trạng bơm chích tạp chất vào tôm nguyên liệu đang gia tăng trở lại. Từ đầu năm đến nay, chỉ riêng tỉnh Cà Mau, lực lượng chức năng đã phát hiện và xử lý trên 20 vụ với hơn 6 tấn tôm nguyên liệu có tạp chất. Việc bơm tạp chất vào con tôm xuất hiện tập trung ở 3 tỉnh giáp ranh Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, nơi tập trung nhiều nhà máy chế biến tôm xuất khẩu ở ĐBSCL.
Thật ra, tệ nạn này đã xuất hiện dai dẳng từ lâu nhưng chưa thể giải quyết dứt điểm. Mấu chốt của vấn nạn vẫn là lợi nhuận khi tôm nguyên liệu khan hiếm, giá tăng, một nhóm người trục lợi khi nhận ra sự lỏng lẻo của cơ quan quản lý và sự đồng thuận ngầm của một số DN, tranh mua nguyên liệu về chế biến. Vì lợi nhuận thu được quá cao, việc làm bất chính này lan rộng ra, thậm chí có sự “đồng lòng” ở cả ấp hay một xã. Đầu tháng 3-2010, Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Bộ NN-PTNT) tổng kết kết quả thực hiện chương trình ngăn chặn tạp chất trong tôm nguyên liệu năm 2009 và triển khai kế hoạch năm 2010 tại Cà Mau nhận định, vấn đề này đã có chuyển biến tốt. Nhưng từ đó đến nay vẫn chưa thể chấm dứt hoàn toàn vấn nạn này. Điều hạn chế của việc triển khai là việc thiếu đồng bộ giữa các tỉnh. Khi tỉnh này làm quyết liệt nhưng tỉnh kia lại lơ là và nhóm trục lợi lại có điều kiện di chuyển từ nơi này sang nơi khác để ”hành nghề”.
Điều bất cập khác, do lợi ích cục bộ nên nhiều DN đã chấp nhận mua hàng này về chế biến. Sau đó lại nổi lên việc DN Trung Quốc qua Việt Nam tranh mua nguyên liệu, sẵn sàng mua nguyên liệu có tạp chất với giá cao. Điều này đã tiếp tay cho một số DN chế biến, đặc biệt các DN nhận gia công tôm đông lạnh cho thương lái Trung Quốc. Để ngăn chặn tình trạng này năm 2011, Bộ NN- PTNT đã công khai tên DN mua nguyên liệu có tạp chất trên các phương tiện đại chúng nên tình trạng này giảm xuống.
Trong khi đó, các DN xuất khẩu mật ong Việt Nam vẫn chưa hết choáng váng trước việc Mỹ từ chối nhập khẩu 500 tấn mật ong từ Việt Nam do nhiễm hóa chất bị cấm. Nhưng bên trong còn là câu chuyện vì lợi nhuận, một số DN nhận mật ong Trung Quốc, vốn đã bị Mỹ “cấm cửa” để trộn vào mật ong Việt Nam, vốn được khách hàng nước ngoài trước đó đánh giá là có chất lượng tốt. Hành vi này đã bị nhiều DN làm ăn chân chính lên án và cảnh báo, nếu không kịp thời ngăn chặn sẽ ảnh hưởng đến mật ong Việt Nam. Vì điều này nên lượng nhập khẩu vào Mỹ, thị trường tiêu thụ chính của mật ong Việt Nam, từ đầu năm đến nay giảm rất nhiều.
2 tình trạng trên đây gây thiệt hại nặng nề cho người nuôi và các DN làm ăn chân chính. Làm lợi cho một bộ phận rất nhỏ nhưng lại ảnh hưởng rất lớn đến uy tín, chất lượng con tôm và mật ong Việt Nam vốn đã có được sau bao năm gầy dựng.
ĐĂNG LÃM