Lời kêu gọi lay động lòng người

Có lẽ từ trước đến nay, chưa có lời hiệu triệu nào làm lay động lòng người một cách sâu sắc, mãnh liệt như Lời kêu gọi quốc dân đi bỏ phiếu cho ngày tổng tuyển cử đầu tiên trong lịch sử lập quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh:

Ngày mai mồng 6 tháng Giêng năm 1946.
Ngày mai, là một ngày sẽ đưa quốc dân ta lên con đường mới mẻ.
Ngày mai, là một ngày vui sướng của đồng bào ta, vì ngày mai là ngày Tổng tuyển cử, vì ngày mai là một ngày đầu tiên trong lịch sử Việt Nam mà nhân dân ta bắt đầu hưởng dụng quyền dân chủ của mình. Ngày mai, tất cả các bạn cử tri, đều phải nhớ đi bầu cử. Ngày mai, mỗi người đều nên vui vẻ hưởng quyền lợi của một người dân độc lập, tự do.

Chủ tịch Hồ Chí Minh bỏ phiếu bầu cử đại biểu Quốc hội khóa II tại tiểu khu Trúc Bạch, khu phố Ba Đình - Hà Nội (tháng 5-1960). Ảnh: TƯ LIỆU
Thấm thoát đã hơn nửa thế kỷ trôi qua, nước ta đã bầu 14 khóa Quốc hội kể từ lần tổng tuyển cử đầu tiên 1-6-1946. Giờ đây cả nước ta tiến hành bầu cử Quốc hội khóa XV (ngày 23-5-2021), vào dịp kỷ niệm 131 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại (19-5-1890 - 19-5-2021). Không có gì trùng hợp và lý thú cho bằng trong những ngày này ôn lại tư tưởng Hồ Chí Minh về việc bầu cử Quốc hội.


Cuộc bầu cử thực hiện vừa đảm bảo thành công, vừa đảm bảo nhiệm vụ phòng chống dịch Covid-19, vừa triển khai thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2021. Cuộc bầu cử lần này có một hình ảnh quy chiếu cuộc bầu cử lần đầu tiên cách đây đúng 75 năm!

Lại nhớ, những ngày chuẩn bị cho cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội lần đầu tiên ấy, đất nước ta đang ở trong thế “ngàn cân treo sợi tóc”: Giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm đang ra sức hoành hành, có những điểm bầu cử của chúng ta nhuốm đầy nước mắt và máu. Bởi vậy, trong lời kêu gọi của mình, Bác kính yêu đã ví những lá phiếu bầu của cử tri cũng giống như thứ vũ khí sắc nhọn nhất để đánh kẻ thù. Ngày ấy, dân ta đã chứng tỏ rằng: Về mặt trận quân sự, thì các chiến sĩ dùng súng đạn để chống kẻ thù. Về mặt trận chính trị, thì nhân dân dùng lá phiếu mà chống với quân địch. Một lá phiếu cũng có sức lực như một viên đạn.

Trong điều kiện như thế, Tổng tuyển cử không chỉ là một cuộc tổng tuyển cử thông thường, mà còn là một cuộc đấu tranh chính trị hết sức gay go và quyết liệt. Nam bộ là nơi nổ tiếng súng đầu tiên bắt đầu cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, là nơi cuộc tổng tuyển cử diễn ra dưới mưa bom bão đạn của kẻ thù, là nơi mà ý chí và nguyện vọng của nhân dân ta được thể hiện qua từng lá phiếu thấm máu đào. Đối với nhân dân Nam bộ, bầu cử Quốc hội là một dịp thể hiện ý chí bảo vệ độc lập, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ và quyết tâm kháng chiến chống xâm lược. Vượt qua bom đạn của kẻ thù để đi bỏ phiếu chính là một hình thức đấu tranh của nhân dân Nam bộ.

Tại Sài Gòn - Chợ Lớn, bất chấp sự kìm kẹp, khủng bố gắt gao của địch, hàng trăm cán bộ chia nhau đi các ngả, vào từng khu phố lập danh sách cử tri và vận động đồng bào tham gia bỏ phiếu đông đảo. Không có phòng bỏ phiếu cố định cho mỗi khu phố, nhưng ở khu phố nào, kể cả các khu phố trung tâm, đều có cán bộ chiến sĩ đem thùng phiếu tới nhà, tới ngõ cho đồng bào bỏ phiếu. Cả Sài Gòn - Chợ Lớn có hàng trăm thùng phiếu như vậy. Ở những vùng do chính quyền kháng chiến kiểm soát, cử tri hồ hởi phấn khởi đi bỏ phiếu với tỷ lệ rất cao (Bạc Liêu 90,77%, Sa Đéc 93,54%...). Tại Tân An, máy bay Pháp xả súng bắn vào nơi quần chúng đi bỏ phiếu làm 14 người chết và nhiều người bị thương, nhiều nơi phải bỏ phiếu ban đêm, vậy mà có trên 90% cử tri đi bỏ phiếu. 

Nhân dân ta ai cũng muốn tận tay mình bỏ phiếu cho nền dân chủ Việt Nam. Tại các tỉnh thành khác của Nam bộ, bất chấp sự ngăn cản và đàn áp của kẻ thù, cuộc tổng tuyển cử vẫn diễn ra và thành công tốt đẹp. Với kết quả là thành phố Sài Gòn - Chợ Lớn và 19 tỉnh thành Nam bộ bầu được 73 đại biểu Quốc hội thuộc nhiều dân tộc, tôn giáo, giai cấp, tầng lớp xã hội, ngành nghề… khác nhau. Lá phiếu trong cuộc bầu cử này được gọi là “lá phiếu máu” vì nó đẫm máu của những chiến sĩ đã quên mình cho nền độc lập của Tổ quốc, vì sự nghiệp kháng chiến cứu nước, vì công cuộc xây dựng chính quyền cách mạng. Cán bộ ban tổ chức bầu cử đã ngã xuống để bảo vệ những thùng phiếu và những cử tri của mình. Chỉ riêng tại Sài Gòn - Chợ Lớn, 42 cán bộ làm công tác bầu cử đã hy sinh, trong đó có Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến thành phố Nguyễn Văn Tư.

Thành công của cuộc tổng tuyển cử biểu thị ý chí kiên quyết bảo vệ độc lập của dân tộc, thống nhất đất nước, động viên toàn dân hăng hái tham gia kháng chiến, củng cố chính quyền. Đồng thời, đây là một đòn giáng mạnh vào âm mưu tách Nam bộ ra khỏi Việt Nam của thực dân Pháp.

Cuộc bầu cử diễn ra sáng nay 23-5-2021, là sự kiện chính trị trọng đại để nhân dân thực hiện quyền làm chủ. Cuộc bầu cử diễn ra trong bối cảnh dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp nên công tác chuẩn bị hết sức chu đáo, đảm bảo dân chủ, đúng pháp luật, an toàn… Trong trường hợp dịch bệnh bùng phát, có giải pháp ứng phó kịp thời. 

Bầu cử Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 nhằm bầu ra đại biểu đại diện cho nhân dân trong Quốc hội - cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất; các đại biểu đại diện cho nhân dân địa phương tại Hội đồng Nhân dân các cấp để có một bộ máy thực hiện thành công nhiệm vụ đã được thể chế hóa từ Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế, vì mục tiêu: dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Chúng ta đủ cơ sở, từ bằng chứng lịch sử và những thành quả hiện tại, tin tưởng rằng cuộc bầu cử Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 sẽ thành công, thắng lợi.

75 năm đã trôi qua, những ký ức về cuộc bầu cử đầu tiên vẫn cứ mãi in đậm trong tâm khảm của những người con đất Việt. Nhớ lời Người ngày ấy, chúng ta lại càng phải có ý thức hơn, phải cân nhắc kỹ hơn trong việc lựa chọn đại biểu thật xứng đáng để ghi vào lá phiếu lịch sử của mình trong mỗi kỳ bầu cử Quốc hội. Mỗi cử tri phải thực hiện thật trọn vẹn quyền và nghĩa vụ thiêng liêng của mình.

Tin cùng chuyên mục