Di cư từ Bắc Phi sang các quốc gia châu Âu không phải chuyện mới nhưng kể từ khi bất ổn chính trị bùng nổ tại khu vực này, làn sóng di cư ồ ạt và dồn dập hơn bao giờ hết. Bắt đầu từ Tunisia, sau đó đến người dân Libya lũ lượt chạy khỏi quê hương.
Trong khi xung đột giữa các phe phái tại Libya chưa tới mức đẩy người dân nước này ra khỏi đất nước thì các đợt tấn công ngày 24-3 của quân đội NATO đã khiến làn sóng di dân ở nước này đến đầu tháng 5 là 650.000 người. Phần lớn những người này chạy sang Ai Cập, Tunisia và sau đó tràn sang các quốc gia châu Âu.
Vì lẽ đó, tại cuộc họp thượng đỉnh Italia-Pháp diễn ra tháng trước, lãnh đạo hai nước đã gửi thư chung lên các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) kêu gọi sửa đổi Hiệp ước Schengen. Vấn đề này được dư luận đặc biệt quan tâm vì nếu có thay đổi sẽ tạo nên những ảnh hưởng đáng kể đến mối quan hệ giữa các thành viên cũng như ngoài khối.
Ngày 11-5, Chủ tịch Hội đồng châu Âu (EC) đã gửi thư đến Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy, một mặt bày tỏ sự thông cảm với áp lực nhập cư nước này đang gánh chịu, mặt khác nhấn mạnh quan điểm không những khó thay đổi Hiệp ước Schengen mà còn phải bảo vệ việc thực thi hiệp ước này một cách hiệu quả nhất có thể.
Gánh nặng nhập cư đang đè lên vai các quốc gia EU vốn đang oằn mình vượt qua giai đoạn khó khăn thời hậu khủng hoảng. Nhiều quốc gia cho rằng rắc rối bắt đầu từ Italia, khi nước này cấp giấy phép có thời hạn 6 tháng cho 20.000 người Tunisia và những người này hiển nhiên sẽ được đi bất cứ nơi nào trong số 22 quốc gia thuộc EU có tham gia Hiệp ước Schengen. Đối với Italia, đây là lựa chọn khá hoàn hảo để nước này san sẻ gánh nặng với những quốc gia lân cận nhưng cũng vì điều này Pháp đã tỏ thái độ không hài lòng. Thế nhưng, xét cho cùng, Italia cũng chỉ là nạn nhân của bất ổn ở Bắc Phi.
Trong khi đó, vào đầu tuần qua, một tàu chở 600 người tị nạn từ Libya bị đắm ở ngoài khơi bờ biển nước này, con số tử vong hiện chưa xác định. Một chi tiết quan trọng được người tị nạn sống sót kể lại và thông tin trên tờ Guardian của Anh rằng lực lượng NATO thấy tàu gặp nạn nhưng không cứu.
Câu hỏi được đặt ra, vai trò của NATO trong việc bảo vệ tính mạng người dân ở Libya đến đâu? Việc người dân bỏ chạy xuất phát từ lý do xung đột giữa các phe phái hay vì họ không bảo đảm được sinh mạng của chính mình khi bom đạn liên quân có thể “nhầm lẫn” bất cứ lúc nào? Ngày đẫm máu nhất đối với dân thường Libya là ngày 23-4, khi Mỹ lần đầu tiên cho máy bay không người lái Predator tham trận, song song đó là loạt đạn từ súng máy và tên lửa Grad xuống thành phố Misrata khiến 28 người chết và 100 người bị thương.
“Chúng tôi không thể đối phó với tình trạng biên giới lãnh hải liên tục bị xâm phạm, vì thế châu Âu tràn ngập người nhập cư trái phép”. Phát ngôn viên Moussa Ibrahim của nhà lãnh đạo Gadhafi dựa vào lý do này để đáp trả liên quân. Câu nói này chẳng khác nào lời buộc tội: người nhập cư trái phép ngày càng gia tăng là cái giá các nước châu Âu phải trả khi ủng hộ quân sự và chính trị cho lực lượng chống đối chính phủ ở Libya.
Như Quỳnh