Trong những năm gần đây điện ảnh Trung Quốc liên tục gặp thất bại tại các liên hoan phim quốc tế. Công chúng tự hỏi những tác phẩm gây sóng gió một thời như Ngọa hổ tàng long (Lý An), Cây vĩ cầm vàng (Trần Khải Ca) đã thực sự “một đi không trở lại”? Trái ngược với nỗi hụt hẫng của khán giả là sự bình tĩnh của các nhà làm phim, bởi họ biết đây là hệ quả tất yếu của công nghệ làm phim “mì ăn liền” trong những năm gần đây.
Nguyên nhân chính dẫn đến thất bại trên là do điện ảnh Trung Quốc đã mất đi bản sắc của chính mình trên trường quốc tế. Những chủ đề “ruột” như lịch sử, kiếm hiệp hoặc cuộc sống nông thôn trong thời kỳ đô thị hóa… bị các nhà biên kịch khai thác triệt để, nhưng sự khai thác này không phù hợp với nhu cầu xã hội.
Những năm 1980, Trung Quốc với tư cách là một đất nước đang phát triển sở hữu một nền điện ảnh non trẻ, các nhà làm phim phương Tây và khán giả thế giới dang tay chào đón, khuyến khích phát triển. Nhưng giờ đây Trung Quốc đã là nền kinh tế thứ 2 thế giới thì hiển nhiên chuẩn mực đánh giá điện ảnh cũng phải thay đổi.
Xã hội ngày càng hiện đại hóa nhưng đề tài trong phim Trung Quốc luôn xoay quanh những câu chuyện của thế kỷ trước. Người xem mong muốn nhìn thấy một Trung Quốc mới mẻ hơn trên màn ảnh, chứ không phải trong thời kỳ mọi người đã ngồi ô tô tay cầm súng mà phim ảnh Hoa ngữ vẫn mê mải với những màn cưỡi ngựa đánh kiếm.
Nhưng trên hết, căn nguyên sâu xa làm cho điện ảnh Trung Quốc mất đi bản sắc chính là lợi nhuận kinh tế. Trung Quốc đất rộng người đông, do đó một bộ phim chỉ cần khởi chiếu ở đại lục là dư sức thu hồi vốn. Các đạo diễn ở đặc khu Hồng Công, lãnh thổ Đài Loan, thậm chí Hoa kiều ở nước ngoài đều lần lượt quay về đại lục làm phim, “tích cực” tận dụng thị trường béo bở này.
Như vậy, các nhà đầu tư đã xác định lượng khán giả chính là người dân Trung Quốc. Chính suy nghĩ này đã phần nào bó buộc tính sáng tạo của các nhà làm phim, bởi “khẩu vị” của khán giả đại lục khác với khán giả thế giới, đặc biệt là các nước phương Tây. Ví dụ như sau thành công của bộ phim võ hiệp Ngọa hổ tàng long năm 2000, các nhà làm phim Trung Quốc đã tiếp tục tung lên màn ảnh rộng hàng loạt những phim tương tự như Thập diện mai phục, Anh hùng…
Các phim này mặc dù thắng lớn tại các rạp trong nước nhưng đã gây nhàm chán ở thị trường quốc tế. Khán giả phương Tây đã không còn hứng thú với dòng phim võ hiệp. Dù biết vậy, nhưng các nhà làm phim Trung Quốc vẫn tiếp tục sản xuất thể loại này vì khán giả đại lục vẫn chưa chán. Chính tâm lý “ăn chắc mặc bền” bám trụ vào thị trường nội địa mà phớt lờ tính quốc tế hóa của phim ảnh đã làm cho khán giả thế giới rời xa điện ảnh Hoa ngữ.
THÔI THÔI (theo Sina)