Lối thoát nào cho điện ảnh Việt?

Điện ảnh Việt trong cơ chế thị trường đang ngổn ngang nhiều trăn trở, ưu tư của những người sản xuất, phát hành. Làm sao để điện ảnh Việt phát triển ổn định, bền vững đang là một câu hỏi lớn và không dễ có lời giải…
Lối thoát nào cho điện ảnh Việt?

Điện ảnh Việt trong cơ chế thị trường đang ngổn ngang nhiều trăn trở, ưu tư của những người sản xuất, phát hành. Làm sao để điện ảnh Việt phát triển ổn định, bền vững đang là một câu hỏi lớn và không dễ có lời giải…

Có thể thấy ngay rằng, thị trường điện ảnh trong nước hiện nay rất ngổn ngang, ngổn ngang trong sản xuất (đầu vào) và phát hành, phổ biến (đầu ra). Nó không theo một hệ thống nào, bao cấp cũng không hẳn mà thị trường thì cũng chưa hoàn toàn đúng. Nói văn vẻ thì đây là giai đoạn quá độ, giai đoạn mờ chồng để đi đến sự thay đổi, sự lựa chọn hoặc là thế này hoặc thế kia.

Cách đây hơn 20 năm, điện ảnh của chúng ta được bao cấp kinh phí sản xuất, bao cấp phát hành và phổ biến phim. Đến nay điện ảnh của chúng ta vẫn phần nào còn được đặt hàng, được đầu tư trang thiết bị, được có chế độ nâng cao nghiệp vụ… từ nguồn ngân sách nhà nước, tuy ngày càng ít ỏi so với thời hoàng kim.

“Tía ơi...”, một trong số ít phim Việt Nam đang trình chiếu tại các rạp ở TPHCM. Ảnh: T.L.

“Tía ơi...”, một trong số ít phim Việt Nam đang trình chiếu tại các rạp ở TPHCM. Ảnh: T.L.

Dù vậy, công bằng mà nói thì nhờ có sự đầu tư trọng điểm này mà các tác phẩm làm về chiến tranh, về Chủ tịch Hồ Chí Minh, về lịch sử mới được ra đời. Chất lượng như thế nào thì bàn, chờ thời gian thẩm định, sàng lọc - nhưng, nó vẫn là dòng chảy chính của các nhà làm phim chuyên nghiệp trong các hãng phim nhà nước trước đây và Công ty TNHH Một thành viên hiện nay (danh nghĩa vậy nhưng vốn vẫn 100% là của nhà nước như Hãng Phim truyện Việt Nam và Hãng phim Giải Phóng). Nhiều lần chúng tôi vẫn tha thiết đề nghị Nhà nước nên gìn giữ và phát triển 2 hãng phim lớn này theo một cơ chế đặc biệt trong nền kinh tế thị trường.

Rất nhiều nước có nền kinh tế thị trường nhưng họ vẫn có cơ chế riêng cho những loại hình nghệ thuật đặc thù. Kinh tế thị trường không có nghĩa xóa sổ tất cả, san bằng tất cả để ai cũng như ai… Đồng ý, có những cái cần ngang phân, không phân biệt nhà nước, tư nhân để khuyến khích cạnh tranh lành mạnh. Nhưng cạnh đó vẫn phải có những chính sách ưu đãi để bảo vệ đội ngũ, bảo vệ tính chuyên nghiệp đặng mong làm được những bộ phim mà Đảng và Nhà nước yêu cầu đòi hỏi.

Quả tình là chúng ta đang vấp phải một bài toán nan giải. Các hãng phim nhà nước thì như vậy, các hãng tư nhân thì sao? Từ khi có quyết định của Bộ VH-TT-DL cho phép thành lập hãng phim tư nhân năm 2004, chúng ta đã có hơn 200 hãng phim tư nhân ra đời. Nhưng vượt lên, trụ vững và tạo dựng được thương hiệu, không nhiều. Phim của các hãng này hàng năm vẫn sản xuất, vẫn ra rạp nhưng số lượng không đi cùng chất lượng. Đa phần tính chuyên nghiệp không cao, đa số là hài nhảm (chữ của các nhà báo) hoặc kinh dị, hành động “thảm họa” (chữ cũng của các nhà báo).

Vậy vấn đề đặt ra là: Làm sao để phim Việt ngày càng sản xuất được nhiều, ra rạp nhiều, đồng thời chất lượng nghệ thuật cao, phim nào cũng hay để kéo người xem đến rạp? Làm cách nào để chúng ta - những người làm phim Việt không “chết” trên sân nhà? Chúng ta phải bằng mọi cách giành lại thị trường không để phim ngoại lấn át? (100 phim ngoại nhập/năm, trong khi chúng ta chỉ có 10 phim mà lại chết yểu khi ra rạp). Đó là thực trạng rất đáng buồn.

Xốc lại đội ngũ? Liên doanh liên kết với nhau? Cần có cơ chế chính sách đi tắt đón đầu tư? Cần sự quan tâm đầu tư thỏa đáng? Nhà nước phải là chiếc cột vững chắc cho điện ảnh tựa vào trong lúc giao thời? Rất nhiều và rất nhiều câu hỏi cần được giải đáp một cách thỏa đáng.

Nhưng có một điều quan trọng mà người viết bài này mong muốn: đó là tình yêu và sự đam mê, xin đừng tắt - dù khó khăn đến đâu - đối với chúng ta - những người làm điện ảnh Việt. Phải thắp lên ngọn lửa đó cho nhau và cho chúng ta - như trái tim Đan Ko bùng cháy, không chỉ của những người dẫn đầu, mà của cả chúng ta cũng phải bùng cháy - thì mới mong đưa nhau ra khỏi sự khó khăn này. Có hai thứ đó, chắc chắn chúng ta sẽ tìm ra lối thoát.

NGUYỄN THỊ HỒNG NGÁT

Tin cùng chuyên mục