Lợi trước mắt, hại lâu dài

Tuần qua, đồng nhân dân tệ của Trung Quốc liên tục bị phá giá tới 3 lần, biên độ phá giá lên đến 4,6%, kéo theo hàng hóa Trung Quốc giảm giá và có lợi cho xuất khẩu. Trung Quốc đang là đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam, nên sức ép với nền sản xuất trong nước từ hàng nhập khẩu giá rẻ của Trung Quốc là rất lớn.
Lợi trước mắt, hại lâu dài

Hàng nhập giá rẻ

Tuần qua, đồng nhân dân tệ của Trung Quốc liên tục bị phá giá tới 3 lần, biên độ phá giá lên đến 4,6%, kéo theo hàng hóa Trung Quốc giảm giá và có lợi cho xuất khẩu. Trung Quốc đang là đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam, nên sức ép với nền sản xuất trong nước từ hàng nhập khẩu giá rẻ của Trung Quốc là rất lớn.

Trao đổi với phóng viên Báo SGGP, PGS-TS Đỗ Đức Định (ảnh), Chủ tịch Hội đồng khoa học Trung tâm Nghiên cứu kinh tế - xã hội Việt Nam nhận định, doanh nghiệp trong nước đang đứng trước 2 lựa chọn: Tiếp tục nhập hàng giá rẻ từ Trung Quốc vì lợi nhuận trước mắt, hoặc tập trung phát triển sản xuất trong nước, nội địa hóa các sản phẩm xuất khẩu.

°Phóng viên: Ông đánh giá thế nào về tác động của việc phá giá đồng nhân dân tệ (NDT) với hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam trong thời gian tới?

°PGS-TS Đỗ Đức Định: Nhập khẩu hàng hóa Trung Quốc cả đường chính ngạch và tiểu ngạch sẽ tăng trong thời gian tới, hoạt động buôn lậu cũng gia tăng vì chênh lệch hàng giá rẻ Trung Quốc với hàng hóa sản xuất trong nước. Những năm trước khi NDT chưa phá giá thì sức ép nhập siêu từ Trung Quốc đã rất lớn, con số nhập siêu từ Trung Quốc đang cho thấy sự chênh lệch quá lớn trong cán cân thương mại giữa 2 bên. Cụ thể năm 2012 Việt Nam nhập siêu từ Trung Quốc 16,7 tỷ USD, năm 2013 là 23,7 tỷ USD, năm 2014 lên đến hơn 29 tỷ USD. Chỉ trong 7 tháng đầu năm 2015 nhập siêu từ Trung Quốc cũng lên đến gần 20 tỷ USD. Sức ép nhập siêu từ Trung Quốc những năm qua xuất phát từ giá hàng hóa của Trung Quốc rẻ và chi phí vận chuyển thấp, nay Trung Quốc phá giá đồng NDT sẽ làm cho hàng hóa rẻ hơn và sức ép nhập siêu hàng hóa Trung Quốc sẽ tăng lên, hàng hóa nhập lậu từ Trung Quốc sẽ nhiều hơn. Điều này sẽ gây sức ép rất lớn cho nền sản xuất trong nước.

Đối với Việt Nam, nước buôn bán với Trung Quốc nhiều nhất, kể cả bạn hàng chính thức và phi chính thức. Thương mại giữa Việt Nam với Trung Quốc những năm qua không chỉ lớn về mặt số liệu thống kê nhà nước mà còn lớn cả về đường tiểu ngạch, buôn lậu. Giá trị xuất siêu mà Việt Nam thu được từ Mỹ, Nhật, EU… cuối cùng lại bù cho nhập siêu từ Trung Quốc, nên NDT phá giá sẽ tác động rất lớn.

°Theo Tổng cục Thống kê, trong cơ cấu hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc có đến 90% hàng hóa là thiết bị, nguyên liệu, linh phụ kiện, máy móc phục vụ sản xuất. Vậy sức ép nhập khẩu hàng hóa giá rẻ từ Trung Quốc sẽ tác động đến các doanh nghiệp sản xuất trong nước như thế nào, thưa ông?

°Đồng NDT phá giá sẽ tác động đến một số hàng hóa của Việt Nam, những hàng hóa trước đây chúng ta có thể cạnh tranh được với Trung Quốc giờ rất khó cạnh tranh; với những hàng hóa trước đây Trung Quốc đã xuất sang Việt Nam, giờ sang ồ ạt hơn. Một loạt doanh nghiệp dệt may, sản xuất thiết bị điện tử trước đây đang sử dụng linh kiện, nguyên liệu, vải vóc giá rẻ của Trung Quốc, giờ họ sẽ nhập nhiều hơn để tăng lãi. Khi doanh nghiệp nhập hàng giá rẻ Trung Quốc thì các ngành công nghiệp Việt Nam đang muốn phát triển sẽ chết. Ví dụ, các doanh nghiệp làm công nghiệp hỗ trợ, sản xuất linh, phụ kiện hoặc nguyên phụ liệu đã đầu tư dây chuyền sản xuất rồi thì giờ đang giật mình, lo sợ hàng hóa sản xuất ra không thể cạnh tranh được với hàng Trung Quốc.

Ngành dệt may gặp khó khăn vì hàng Trung Quốc

Ngành dệt may là một ví dụ điển hình, khó phát triển được vì vải, sợi của Trung Quốc xuất sang nước ta những năm qua đã quá rẻ rồi giờ tiếp tục rẻ nữa. Nên những doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực dệt sẽ chết, hàng hóa Việt Nam đã đắt rồi lại đắt thêm thì làm sao chọi được với hàng hóa Trung Quốc đã rẻ lại rẻ hơn. Các doanh nghiệp sản xuất phụ tùng, linh phụ kiện phục vụ ngành công nghiệp lắp giáp các loại máy móc thiết bị cũng gặp nhiều khó khăn. NDT phá giá, hàng Trung Quốc rẻ hơn cũng đẩy hoạt động buôn lậu qua biên giới tăng thêm.

°Ông có thể nêu những trường hợp doanh nghiệp trong nước bị hàng hóa giá rẻ Trung Quốc chèn ép đến phá sản?

° Trong quá khứ, ngành dệt may Việt Nam từng có những anh hùng lao động, là Nhà máy Dệt Long An và Nhà máy Dệt Nam Định, tuy nhiên chỉ sau một vài năm phong anh hùng lao động thì cả hai nhà máy dệt hàng đầu cả nước này đều phá sản, giải thể. Nguyên nhân phá sản của cả hai nhà máy này là do sản phẩm vải, sợt dệt sản xuất ra không thể cạnh tranh được hàng hóa giá rẻ Trung Quốc. Nhiều doanh nghiệp dệt trong nước phải chuyển sang làm gia công sản phẩm cho Trung Quốc.

°Theo ông, doanh nghiệp Việt Nam có nên tiếp tục theo đuổi việc nhập hàng giá rẻ từ Trung Quốc?

°Trước khi nói đến việc có tiếp tục nhập hàng giá rẻ Trung Quốc nữa hay không, tôi muốn nói đến câu chuyện trả giá: Tất cả mọi hành động, mọi sự nỗ lực đều có cái được và cái mất. Nếu doanh nghiệp Việt Nam tiếp tục nhập hàng giá rẻ của Trung Quốc thì được cái lợi trước mắt, nhưng mất cái lâu dài và cơ bản. Vấn đề là doanh nghiệp có chấp nhập trả giá cho việc không nhập hàng giá rẻ của Trung Quốc nữa không. 

Rất nhiều dự án do nhà thầu Trung Quốc làm không hiệu quả, chậm tiến độ, đội giá so với tổng mức đầu tư ban đầu, công nghệ thi công lạc hậu. Tại Việt Nam nhiều dự án nhiệt điện, dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông chúng ta đã phải chấp nhận tình trạng đội vốn đầu tư và công nghệ lạc hậu mặc dù chi phí chào thầu ban đầu của các nhà thầu Trung Quốc rẻ hơn những đối tác đến từ các quốc gia khác. Đôi khi chấp nhận trả giá cao, nhập hàng của Nhật, Hàn Quốc hay Mỹ thì giá phải trả là hàng hóa, thiết bị, máy móc ban đầu đắt hơn nhưng sau này chúng ta sẽ có được cả ngành công nghiệp. Ngược lại, nếu tiếp tục nhập hàng giá rẻ Trung Quốc thì nền công nghiệp trong nước không phát triển được. Hơn nữa, giá rẻ sẽ bóp chết nền sản xuất trong nước.

Thực tế phát triển của Việt Nam đã cho thấy điều này, khi nhập thiết bị, công nghệ, vật liệu của Nga về xây dựng cầu Thăng Long chúng ta đã có được công nghệ xây dựng ngành cầu đường, doanh nghiệp Việt tự xây dựng được cầu Chương Dương. Tương tự, sau khi người Nga giúp xây dựng Thủy điện Hòa Bình, Việt Nam cũng làm chủ được công nghệ và tự làm nhiều công trình thủy điện trên cả nước. Sau khi Việt Nam kết hợp với Thụy Điển làm Nhà máy giấy Bãi Bằng, chúng ta đã hình thành ngành công nghiệp sản xuất giấy, đáp ứng được 60% - 70% nhu cầu giấy học sinh. Trung Quốc cũng từng giúp Việt Nam làm Nhà máy Dệt Nam Định nhưng đến nay Việt Nam vẫn chưa có ngành công nghiệp dệt.

Nếu xét về chất lượng hàng hóa, thiết bị và máy móc nhập khẩu thì dù nhập rẻ ban đầu cũng chưa chắc đã rẻ. Đường ống nước sông Đà nhập từ Trung Quốc sau vài năm vận hành đã vỡ tới 14 lần. Vì vậy, các doanh nghiệp cần có sự lựa chọn phù hợp để phát triển nền sản xuất trong nước.
 
Nói như vậy không có nghĩa các doanh nghiệp trong nước không có cơ hội nhưng vấn đề là tận dụng cơ hội. Hiện các doanh nghiệp trong nước đang xuất cao su tự nhiên sang Trung Quốc nhưng lại nhập về vỏ xe. Trong bối cảnh NDT phá giá thì vỏ xe Trung Quốc sang Việt Nam ngày càng nhiều trong khi cao su tự nhiên xuất sang Trung Quốc ngày càng mất giá mà vẫn không cạnh tranh được. Nếu các doanh nghiệp sản xuất, xuất nhập khẩu mủ cao su đi theo hướng chế biến sâu để ra sản phẩm cuối cùng từ cao su tự nhiên thì sẽ tốt hơn.

°Xin cảm ơn ông!

 Khi các FTA như TPP, EVFTA, VCUFTA… có hiệu lực, hàng hóa Việt Nam có được hưởng ưu đãi thuế quan hay không sẽ phụ thuộc vào phần nội địa hóa doanh nghiệp sản xuất của ta là bao nhiêu. Trong các FTA mà Việt Nam tham gia đều đòi hỏi những sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam phải đạt tỷ lệ nội địa hóa 70% trở lên. Bây giờ tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm tập trung vào tiền công, tiền lương chỉ đáp ứng từ 20% - 30% thì làm sao đảo ngược thành 70% - 80%. Hiện có tới 80% các sản phẩm dệt của Việt Nam là đầu vào từ bên ngoài và đầu vào từ Trung Quốc. Từ cái kim, sợi chỉ cho đến cúc áo, mảnh vải đều nhập từ Trung Quốc thì bao nhiêu phần trăm sản phẩm cuối cùng là của Việt Nam?  


Đăng Tuân (thực hiện)

Tin cùng chuyên mục