Lờn mặt!

Công bố mới đây của Cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Bộ Y tế) cho thấy năm 2011 cơ quan chức năng này chỉ xử phạt được 25 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm chức năng. Đây quả là một con số quá khiêm tốn so với hàng ngàn cơ sở sản xuất, kinh doanh hàng ngàn loại thực phẩm chức năng.

Quả thực, chưa có lúc nào như những năm gần đây, thực phẩm chức năng trở nên “hót” như vậy. Từ việc kinh doanh đa cấp ồn ào, lừa lọc cho đến quảng cáo thổi phồng công dụng như những “thần dược” từ… thiên nhiên ban tặng.

Có thể dẫn ra đây nào là thực phẩm chức năng trắng bền Saman của Công ty cổ phần Saman (Hà Nội) quảng cáo là công hiệu chẳng khác nào thuốc chữa bệnh; thực phẩm chức năng Định Suyễn Hoàn của Công ty TNHH Thương mại Dược phẩm Nam Á (Hà Nội) ghi nhãn và hướng dẫn sử dụng không như công bố…

Điều đáng nói, có những công ty, sản phẩm bị phạt tới lần 2, lần 3 đến mức gần như “chai mặt” như sản phẩm Kim Thận Bảo, sản phẩm viên bá bệnh Tuệ Linh, sản phẩm Kình Nguyên Khang…

Thực tế cho thấy, các công ty, cơ sở không ngán việc “nổ” cho sản phẩm của mình và rất… chịu “nổ”, nhất là trên báo, đài. Nếu chịu khó đọc, nghe, nhìn sẽ thấy thời lượng trên các báo, đài truyền hình dành cho quảng cáo, giới thiệu thực phẩm chức năng không phải là ít. Tuy nhiên, liệu chất lượng của những sản phẩm được rêu rao như vậy đảm bảo bao nhiêu phần trăm. Và hầu như hình thức xử phạt trong số 25 cơ sở thực phẩm chức năng mà Cục An toàn vệ sinh thực phẩm “tuýt còi” năm 2011 chủ yếu vẫn là quảng cáo sai quy định.

Chưa hết, năm qua, đã không ít lần cơ quan chức năng phát hiện thực phẩm chức năng len lỏi vào tận bệnh viện. Đó là một số y bác sĩ “chơi trội” bằng cách kê cả thực phẩm chức năng vào đơn thuốc với giá cắt cổ, trong khi pháp luật chưa cho phép điều này. Vậy là, cũng đến mức bác sĩ tiếp tay cho thực phẩm chức năng một cách công khai mà chưa có quy định phải chịu trách nhiệm!

Thực phẩm chức năng với những lời dụ ngọt chữa bách bệnh, hay giúp cơ thể “cải lão hoàn đồng” đã được không ít lần dư luận lên tiếng phản ứng. Thế nhưng vì sao chúng vẫn có đất sống và sống khỏe như vậy? Có phải công tác quản lý có nhiều lỗ hổng? Hiện nay, thực phẩm chức năng vẫn do Cục An toàn thực phẩm “độc quyền” quản lý mà chưa phân cấp về cho các địa phương.

Do đó, việc sâu sát thị trường thực phẩm này còn một khoảng cách. Có chăng, khi nào được cục ủy quyền thì sở y tế các địa phương mới vào cuộc. Còn không thì cứ “xuân, thu nhị kỳ”, Cục An toàn vệ sinh thực phẩm lên kế hoạch âm thầm thanh kiểm tra, hoặc khi nào có khiếu nại, phản ánh thì mới vào cuộc. Vậy nên, nhiều thực phẩm chức năng bị phát hiện vi phạm rồi nhưng vẫn tái phạm vì “lờn mặt”. Trong khi mức xử phạt thì quá bèo bọt so với lợi nhuận mang lại. Tỷ như mức xử phạt mà Cục An toàn vệ sinh thực phẩm “ra tay” cao nhất là 20 triệu đồng nên chưa đủ răn đe.

Sự thiếu sâu sát của cơ quan quản lý cũng thể hiện ở chỗ gần như cứ ngồi đọc báo, xem tivi để bắt dò các sản phẩm vi phạm quảng cáo không mà… phạt. Vậy nên, không ít sản phẩm trong số 25 sản phẩm bị xử phạt là được “chộp” qua báo, đài. Nói vậy để thấy rằng, sự sơ hở trong quản lý thực phẩm chức năng, gây nên những bức xúc cho người dân cũng có sự tiếp tay của giới truyền thông. Thay vì cần có sự xác nhận chất lượng phù hợp với nội dung quảng cáo trước khi cho đăng tải hoặc phát sóng thì một số báo, đài lại thoải mái cho cơ sở, doanh nghiệp quảng cáo nên thành ra họ được thể thổi phồng sản phẩm.

Từ những bất cập nói trên để nhận thấy rằng đã đến lúc phải siết chặt hơn thực phẩm chức năng, từ sản xuất, kinh doanh đến quảng cáo. Trong đó, cần có sự phân cấp quản lý xuống các địa phương để chặt chẽ hơn trong kiểm soát, cũng như nghiêm ngặt trong cho phép quảng cáo, giới thiệu.

TẤN HIỀN

Tin cùng chuyên mục