Lờn thuốc

Những năm trước đây, trên địa bàn cả nước nói chung và TPHCM nói riêng, tình trạng người dân sử dụng xe 3 - 4 bánh tự chế không đạt tiêu chuẩn về an toàn phương tiện khi tham gia giao thông (gọi chung là xe ba gác) tràn lan khi lưu thông trên đường phố gây mất an toàn, gây kẹt xe. Do đó, theo Nghị quyết 32/2007/NQ-CP của Chính phủ về một số giải pháp cấp bách nhằm kiềm chế tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông, các loại xe ba gác sẽ bị tịch thu. Chính phủ và UBND các địa phương cũng đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ chuyển nghề, mua sắm phương tiện mới cho những người có xe bị thu hồi. Đây là biện pháp hành chính cần thiết để đô thị an toàn, văn minh, người có phương tiện có điều kiện chuyển đổi nghề hợp lý.

Thống kê từ các quận, huyện gửi về Sở Tài chính cho thấy toàn TPHCM có hơn 24.000 xe 3 - 4 bánh bị đình chỉ lưu thông, trong đó có hơn 3.000 xe do người sử dụng thuộc diện nghèo, số còn lại là người địa phương gắn bó lâu năm với nghề chạy xe ba gác hoặc dân từ các tỉnh đổ về TP làm ăn, sinh sống.

Cũng theo thống kê của Sở Tài chính, đến nay, ngân sách TP đã tạm ghi kinh phí hơn 120 tỷ đồng cho việc hỗ trợ chủ phương tiện thay thế xe ba gác bị đình chỉ lưu thông. Chưa kể số tiền không nhỏ do UBND các quận, huyện vận động mạnh thường quân hỗ trợ các hộ nghèo có xe trong diện này. Chủ trương hỗ trợ của TP hợp lòng dân, được xã hội đồng tình, được đánh giá sẽ mang lại hiệu quả tốt nếu người dân chấp hành nghiêm.

Theo Quyết định 04 của UBND TP ban hành tháng 1-2009, việc hỗ trợ các hộ nghèo có khá nhiều ưu đãi: Ngoài mức hỗ trợ 7 triệu đồng/phương tiện còn hỗ trợ đào tạo nghề không hoàn lại 3,6 triệu đồng/người/khóa, hỗ trợ vay vốn mua phương tiện mới tối đa 50 triệu đồng/hộ, hỗ trợ vay vốn tối đa 30 triệu đồng/hộ để tham gia hợp tác lao động. Vì thế, trong thời gian qua, hầu hết các quận, huyện thực hiện triệt để việc chuyển đổi nghề cũng như hỗ trợ các hộ thuộc diện nghèo. Do số hộ nghèo sử dụng phương tiện này ít nên vấn đề quản lý, kiểm soát việc chuyển nghề, hỗ trợ cũng dễ dàng. Chưa kể TP có nhiều ưu đãi cho các hộ thuộc diện nghèo nên đa số các hộ sau khi nộp xe, nhận tiền đều tìm một nghề khác thay thế, phù hợp hơn. Đến nay, tại các quận, huyện thì chưa nghe phản ánh trường hợp nào mua xe tự chế sử dụng lại.

Theo Phòng CSGT Đường bộ - Công an TP, có hơn 21.000 phương tiện đã thu hồi, song trên thực tế, theo phản ánh của lực lượng CSGT vẫn phải xử phạt và tiếp tục thu hồi một lượng lớn xe ba gác khiến hầu hết các kho bãi chứa xe đều quá tải. Vấn đề hiện nay là các loại xe ba gác chỉ có thể tham gia giao thông do lực lượng thanh tra giao thông và CSGT thực hiện lệnh cấm của chính phủ chưa nghiêm. Nguyên nhân có nhiều nhưng, chủ yếu kẽ hở của lực lượng thanh tra giao thông và CSGT là cách làm việc theo giờ hành chính, các chủ xe lợi dụng khoảng trống này để đưa xe vào vận chuyển hàng hóa. Không ít trường hợp CSGT “cho qua” do chủ xe than khó, kể nghèo… Nhưng thiết nghĩ, nhà nước đã chi tiền cho họ chuyển đổi và mua sắm loại phương tiện khác, thì việc chạy xe là hành vi cố tình vi phạm lệnh cấm, nên việc xử lý chưa nghiêm, chưa thực hiện thu xe là trách nhiệm của người thi hành nhiệm vụ.

Đã đến lúc các đơn vị được Nhà nước giao trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ cần nghiêm chỉnh hơn, kiên quyết hơn việc xử lý các vụ vi phạm chạy xe ba gác. Các địa phương có người sử dụng xe ba gác cần làm rõ hơn việc nhận tiền hỗ trợ chuyển đổi xe: nhận hay chưa nhận tiền để có biện pháp giải quyết triệt để. Cần vận động những người chạy xe ba gác nên tự giác thực hiện lệnh cấm của Chính phủ để đảm bảo an toàn giao thông. Việc không lớn, cũng không quá khó, nếu các ngành, các địa phương phối hợp làm triệt để thì tình trạng xe ba gác sẽ chấm dứt hẳn, sẽ không còn phải lo giải quyết tình trạng xe ba gác vẫn chạy tràn lan như hiện nay. 

THĂNG LONG

Tin cùng chuyên mục