Câu chuyện lạm thu đầu năm học tuy không mới nhưng sau rất nhiều hứa hẹn chấn chỉnh của ngành giáo dục, căn bệnh này vẫn “sống tốt, sống khỏe”. Điều đáng nói là cách đây vài năm trước, lạm thu chỉ ở mức vài trăm ngàn đồng/học sinh thì nay “té nước” theo tỷ lệ đồng tiền trượt giá, lạm thu ở nhiều nơi đã lên mức hàng triệu đồng.
Mới đây, nhiều phụ huynh Trường Tiểu học Võ Thị Sáu (quận 7, TPHCM) than phiền phải đóng gần 4 triệu đồng vào quỹ phụ huynh, số tiền không nhỏ so với mức lương công chức nhà nước. Nhìn vào bảng liệt kê 10 khoản thu cần đóng đầu năm, trong đó có nhiều khoản thu “trên trời” như máy lạnh trị giá hơn 12 triệu đồng/cái (mỗi lớp phải trang bị đến 2 cái tức hơn 24 triệu đồng); ti vi 11,8 triệu đồng; tủ để gối 8,3 triệu đồng; máy tính để bàn 5,4 triệu đồng; rèm cửa 4,3 triệu đồng…, nhiều người chỉ biết lắc đầu ngao ngán. Đó là chưa kể nhiều khoản thu hết sức vô lý khác cũng được “tính đúng, tính đủ” vào túi tiền phụ huynh như tiền mua dây điện, công tắc điện, bàn phụ cho giáo viên, kệ sách cuối lớp, máy in, khung sắt treo ti vi, bồi dưỡng bảo mẫu…
Một phụ huynh ở lớp 1/3 cho biết, bình thường ở nhà con chị không quen sinh hoạt trong phòng có máy lạnh, rèm cửa ở nhà là loại vải vài chục ngàn đồng/mét, lương công chức nhà nước hai vợ chồng cộng lại chưa đầy 10 triệu đồng/tháng, nhưng khi vào lớp con trai lại mặc nhiên được sống trong môi trường “thượng lưu”. “Trường tuy mang tiếng là vừa xây mới nhưng không lẽ tất cả vật dụng trong đó đều bắt chúng tôi phải mua? Vì sao có những thứ phụ huynh năm ngoái đã mua rồi nhưng năm nay vẫn được liệt kê lại, không lẽ hàng chục triệu đồng chỉ có thời hạn sử dụng trong một năm?”, phụ huynh này bức xúc bày tỏ.
Sự việc càng lên đến đỉnh điểm khi trả lời báo chí, cô Nguyễn Hà Phương Thanh, Hiệu trưởng, cho rằng tất cả khoản thu là do phụ huynh tự đề nghị rồi vận động chứ không phải chủ ý của nhà trường. Chưa hết, vị này còn cho biết nếu gia đình nào khó khăn có thể chia ra đóng làm nhiều đợt hoặc trình bày hoàn cảnh để những phụ huynh khác hỗ trợ. Về lý, lời giải thích của cô hiệu trưởng tuy không sai, nhưng về tình, cô sẽ trả lời thế nào trước nguy cơ hàng trăm học sinh của cô phải chịu cảnh “thắt lưng buộc bụng”, bớt tiền ăn buổi sáng, nói “không” với đi chơi cuối tuần vì ba mẹ chúng buộc phải để dành tiền mua rèm cửa, bàn làm việc và máy tính cho giáo viên? Là người có trách nhiệm cao nhất trong một ngôi trường, cô mặc nhiên quy kết tất cả mọi việc vào “sự tự nguyện” của phụ huynh mà không có bất kỳ động thái thăm dò ý kiến hay tìm hiểu nguyện vọng cha mẹ học sinh. Vì sao phải đợi sau khi báo chí vào cuộc, Phòng GD-ĐT mới hứa sẽ “xem xét, chấn chỉnh” mà không có biện pháp can thiệp trước khi hàng trăm triệu đồng đã chảy vào túi cái gọi là “quỹ phụ huynh”?
Quay lại câu chuyện lạm thu đầu năm học, năm nào phụ huynh cũng ca thán nhưng năm nào cũng phải dốc túi. Phải chăng ngành giáo dục đang vướng tình trạng “trên bảo, dưới không nghe” hay còn vì một nguyên nhân thật sự nào khác? Câu trả lời xin nhường lại cho các cơ quan quản lý.
MINH QUÂN