Long An phát triển nông nghiệp công nghệ cao

Những năm qua, mặc dù còn nhiều khó khăn tác động đến sản xuất nông nghiệp nhưng lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn trên địa bàn tỉnh Long An  đã cơ bản hoàn thành các mục tiêu đề ra, đặc biệt sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghệ cao (CNC) đã và đang có những chuyển biến tích cực.
Long An phát triển nông nghiệp công nghệ cao

Những năm qua, mặc dù còn nhiều khó khăn tác động đến sản xuất nông nghiệp nhưng lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn trên địa bàn tỉnh Long An  đã cơ bản hoàn thành các mục tiêu đề ra, đặc biệt sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghệ cao (CNC) đã và đang có những chuyển biến tích cực.

Thu hoạch thanh long theo mô hình ViệtGAP ở Long An Ảnh: HỒNG ANH

Tiềm năng lớn

Long An là tỉnh có vị trí, điều kiện tự nhiên phù hợp phát triển nhiều loại nông sản hàng hóa, có sản lượng cao như lúa (đứng thứ 4 khu vực ĐBSCL), thanh long (chỉ sau tỉnh Bình Thuận)... Việc ứng dụng CNC trong sản xuất nông nghiệp những năm gần đây phát triển khá nhanh. Nhiều mô hình ứng dụng CNC phát triển toàn diện theo hướng sản xuất hàng hóa, có sức cạnh tranh, thân thiện với môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu, đáp ứng nhu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn và thu hút đầu tư trên địa bàn. Tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 3,9%/năm, sản lượng lúa đạt bình quân 2,75 triệu tấn/năm, trong đó lúa chất lượng cao chiếm 30%. Cơ cấu cây trồng, vật nuôi đã có sự chuyển dịch theo hướng khai thác tốt tiềm năng và lợi thế từng vùng sinh thái; lúa vẫn là cây trồng chủ lực và chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu ngành. 

Đặc biệt, sản xuất ngày càng đi vào chiều sâu về hiệu quả, chất lượng; hình thành các vùng sản xuất nông sản hàng hóa tập trung (lúa, chanh, thanh long, rau màu, bắp, mè, đậu phộng, khoai mỡ, mía, tôm nước lợ, chăn nuôi bò thịt, bò sữa, heo, gà…), ứng dụng tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất nông nghiệp từng bước được nâng lên, góp phần giảm giá thành, nâng cao chất lượng nông sản hàng hóa. Thành quả trên bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân, nhưng có thể nhận thấy việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật mới, ứng dụng CNC vào sản xuất đóng vai trò ngày càng tích cực. Đây là kết quả từ chủ trương, định hướng phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC được tỉnh Long An đề ra từ năm 2004. Nhờ có chủ trương nên các hộ nông, chính quyền địa phương đã quan tâm, tiếp cận và thử nghiệm sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC và bước đầu mang lại hiệu quả tốt.

Hướng phát triển bền vững

Trên địa bàn tỉnh Long An tuy chưa có doanh nghiệp nông nghiệp CNC được Bộ NN-PTNT chứng nhận, nhưng đã có 3 doanh nghiệp đạt tiêu chí doanh nghiệp nông nghiệp khoa học - công nghệ do tỉnh chứng nhận, thuộc lĩnh vực sản xuất chế phẩm sinh học phục vụ sản xuất, thiết bị cơ khí và trồng cây cảnh. Bên cạnh đó, có doanh nghiệp nước ngoài đầu tư sản xuất trồng rau khép kín theo công nghệ Nhật Bản như Công ty TNHH MTV RRFARN Green Rarm tại Khu Công nghiệp Long Hậu huyện Cần Giuộc vì doanh nghiệp trong nước là Công ty TNHH Huy Long An (nuôi bò Úc vỗ béo kết hợp với trồng trọt theo hướng canh tác hữu cơ không sử dụng hóa chất). Đây là 2 mô hình rất có triển vọng phát triển với đầu ra nông sản thuận lợi.

Từ năm 2015, UBND tỉnh Long An đã phê duyệt kế hoạch xây dựng mô hình doanh nghiệp ứng dụng CNC, sản phẩm CNC, tiến tới thành lập doanh nghiệp CNC trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, công nghiệp phục vụ sản xuất nông nghiệp, công nghiệp tỉnh Long An giai đoạn 2015-2020. Định hướng đến năm 2020, hỗ trợ hình thành 8-10 doanh nghiệp ứng dụng CNC, hình thành 1-2 doanh nghiệp CNC, thành lập 1-2 cơ sở ươm tạo CNC và lai tạo 2-3 giống cây trồng, vật nuôi bằng CNC.

Ông Lê Văn Hoàng, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Long An, cho biết, hiện đơn vị đang tham mưu UBND tỉnh triển khai đề án “Phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp” theo chủ trương của tỉnh. Trong đó, xây dựng 4 vùng ứng dụng CNC, gồm: Chọn 3 cây trồng, 1 vật nuôi thực hiện ứng dụng CNC vào các khâu chính (giống, canh tác, sau thu hoạch) để phấn đấu đến năm 2020, toàn tỉnh có ít nhất 4 vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC trên sản phẩm chủ lực của tỉnh; trong đó có 20.000ha sản xuất lúa ứng dụng CNC trong vùng lúa cao sản xuất khẩu 40.000ha ở các huyện vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh (Thạnh Hóa, Tân Thạnh, Kiến Tường, Mộc Hóa, Vĩnh Hưng và Tân Hưng); 2.000ha thanh long tại huyện Châu Thành; 2.000ha rau tại 3 huyện Cần Đước, Cần Giuộc, Đức Hòa, TP Tân An và vùng chăn nuôi bò thịt tại 2 huyện Đức Hòa và Đức Huệ.

HÀM LUÔNG - KIẾN VĂN

Tin cùng chuyên mục