Long đong trái thanh long

Phát triển “nóng” về diện tích, trong khi đầu ra lại lệ thuộc hoàn toàn vào thị trường Trung Quốc, nên nhiều năm nay, người trồng thanh long tại Bình Thuận phải ngậm ngùi với điệp khúc “được mùa rớt giá”, còn thương lái trong nước bị “bạn hàng” nước ngoài giật dây như con rối.
Long đong trái thanh long

Phát triển “nóng” về diện tích, trong khi đầu ra lại lệ thuộc hoàn toàn vào thị trường Trung Quốc, nên nhiều năm nay, người trồng thanh long tại Bình Thuận phải ngậm ngùi với điệp khúc “được mùa rớt giá”, còn thương lái trong nước bị “bạn hàng” nước ngoài giật dây như con rối.

  • Lệ thuộc thị trường

Theo thống kê, hiện toàn tỉnh Bình Thuận có khoảng 16.000ha thanh long, sản lượng khoảng 400.000 tấn/năm, trong đó thị trường nội địa chỉ tiêu thụ khoảng 20%, còn lại được xuất khẩu. Trong tổng sản lượng xuất khẩu, thị trường Trung Quốc chiếm khoảng 65% thị phần; Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc và các nước châu Âu chiếm khoảng 20%; phần còn lại sang các nước châu Á khác.

Ảnh: T.L

Ảnh: T.L

Ông Bùi Đăng Hưng, Chủ tịch Hiệp hội Thanh long Bình Thuận, cho biết thanh long xuất khẩu sang Trung Quốc hầu hết theo hình thức tiểu ngạch, phi mậu dịch, còn lượng hàng buôn bán chính ngạch rất ít. Hình thức xuất khẩu này dù gặp nhiều rủi ro và giá cả không ổn định nhưng có ưu điểm là tiêu thụ nhanh, giải quyết được đầu ra cho lượng thanh long khổng lồ. Hơn nữa, thị trường này không đòi hỏi khắt khe về chất lượng như một số quốc gia khác. Chẳng hạn, thị trường Nhật Bản đòi hỏi phải gia nhiệt, thị trường Mỹ đòi phải chiếu xạ trái thanh long. Khâu này sẽ làm tăng chi phí và sản phẩm không bảo quản được lâu. Riêng thị trường Mỹ, dù nhãn hiệu thanh long Bình Thuận đã được chấp nhận nhưng doanh nghiệp cũng không mặn mà vì ngoài yêu cầu khắt khe về chất lượng thì chi phí vận chuyển, đóng gói quá cao nên ít có lời.

“Việc xuất khẩu sang Mỹ chủ yếu để khẳng định đẳng cấp trái thanh long Bình Thuận, rằng sản phẩm được thị trường khó tính này chấp nhận, chứ lượng xuất khẩu không đáng kể, mỗi năm chỉ khoảng 1.000 tấn” – ông Bùi Đăng Hưng nói.

  • Bị ép tại sân nhà

Chính vì quá lệ thuộc vào thị trường Trung Quốc nên hầu như mọi hoạt động bán mua đều bị thương lái Trung Quốc thao túng. Cách thức bán buôn phổ biến là các thương lái (vựa thanh long) tại Bình Thuận trực tiếp mua hàng từ nông dân, đóng gói, cho lên xe container chở đi cửa khẩu Lạng Sơn, rồi thông qua môi giới để bán cho thương lái Trung Quốc. Việc bán mua này diễn ra tự phát như ở chợ chứ không có hợp đồng hay thỏa thuận giá cả trước.

Chính cách thức làm ăn “cò con” này nên thương lái Việt Nam luôn bị động và lệ thuộc vào môi giới hoặc thương lái Trung Quốc, bên mua ra giá bao nhiêu cũng phải chấp nhận, vì một khi đã chở hàng lên biên giới thì không thể chở về hoặc chờ đợi lâu.

Không chỉ ép giá tại cửa khẩu, gần đây, thương lái Trung Quốc còn cử người sang tận Bình Thuận nắm bắt thông tin thị trường, sản lượng thanh long để làm giá.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, chỉ riêng ở huyện Hàm Thuận Nam (địa phương có diện tích thanh long lớn nhất tỉnh Bình Thuận với khoảng 8.000ha) có đến hàng chục “cò” đến từ Trung Quốc. Họ nói tiếng Việt khá giỏi, thường “nằm vùng” ở các vựa thanh long, thậm chí đến tận vườn để nắm tình hình và báo cho đầu mối ở Trung Quốc. Một số khác làm luôn công tác giám sát việc mua bán, đóng gói thanh long.

Theo một chủ vựa thanh long tại xã Hàm Minh (huyện Hàm Thuận Nam), các thông tin về mức đầu tư, sản lượng từng vụ, chi phí đóng gói, vận chuyển thanh long lên biên giới đều được các thương lái Trung Quốc nắm rõ để “làm giá”.

Đóng gói thanh long tại Công ty TNHH thanh long Hoàng Hậu, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận. Ảnh: Nguyên Vũ

Đóng gói thanh long tại Công ty TNHH thanh long Hoàng Hậu, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận. Ảnh: Nguyên Vũ

  • Do khủng hoảng thừa

Ông Nguyễn Văn Ngọc, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Hàm Thuận Nam, cho rằng nguyên nhân chính của tình trạng trên là do việc phát triển quá “nóng” về diện tích thanh long, dẫn đến khủng hoảng thừa. Từ năm 1980 đến 2005, Hàm Thuận Nam chỉ phát triển 2.000ha thanh long nên giá rất cao. Nhưng từ năm 2005 đến nay, mỗi năm diện tích tăng thêm vài trăm đến 1.000ha, khiến thanh long đánh mất lợi thế về giá và còn phải chịu sự cạnh tranh khốc liệt khi các loại trái cây khác vào vụ.

Chủ tịch Hiệp hội Thanh long Bình Thuận, ông Bùi Đăng Hưng, cũng khẳng định nguyên nhân trái thanh long bấp bênh là do khủng hoảng thừa và thiếu sự liên kết trong quá trình sản xuất cũng như xuất khẩu. Hiện ở Bình Thuận có trên dưới 100 vựa thanh long nhưng mạnh ai nấy làm, việc tập hợp hết sức khó khăn nên không có cơ hội bàn bạc tìm hướng giải quyết chung.

Theo ông Hưng, để giải bài toán khủng hoảng thừa, nông dân cần chủ động điều tiết sản lượng, bỏ bớt quả trong vụ chính để tăng chất lượng và giữ sức cho cây ra trái vụ. Bên cạnh đó, cần áp dụng quy trình sản xuất sạch và giảm giá thành để nâng cao tính cạnh tranh.

Việc phát triển “nóng” diện tích thanh long, ngoài hệ lụy về thị trường còn gây nên sự mất cân đối như thiếu nước tưới, thiếu điện chong trong vụ trái. Hiện chỉ có 1/2 diện tích (trong tổng số 8.000ha) thanh long tại Hàm Thuận Nam chủ động nước tưới, còn lại dùng nước giếng hoặc nước từ ao bàu, vào mùa nắng hạn, nhiều diện tích thanh long bị khô héo

Nguyễn Văn Ngọc,
Trưởng phòng Nông nghiệp Hàm Thuận Nam

NAM VIÊN

Tin cùng chuyên mục