Lòng nhân ái của người y tá quân y

Đã nhiều năm, dì Phan Thị Kim Dung (ở phường 9, quận Tân Bình, TPHCM) vẫn đều đặn đến trụ sở Báo SGGP gửi tiền làm từ thiện, giúp những người nghèo đang gặp cảnh khó mà báo phản ánh trong chuyên mục Hoàn cảnh cần giúp. 
Lòng nhân ái của người y tá quân y ảnh 1 Dì Phan Thị Kim Dung đến Báo SGGP đóng góp từ thiện
Ký ức thời chiến tranh
Nhưng rồi, bẵng đi cả tháng không thấy dì Phan Thị Kim Dung đến gửi tiền làm từ thiện, lo dì gặp chuyện chẳng lành, chúng tôi gọi điện thăm hỏi, mới hay dì bị đụng xe khi đang trên đường đi làm từ thiện, bị chấn thương vùng đầu phải nằm viện. Với sự kính trọng và cảm kích dành cho người phụ nữ nhân hậu ấy, chúng tôi đến thăm dì và có dịp nghe dì tâm tình, kể chuyện về những năm tháng kháng chiến gian nan.
Dì Phan Thị Kim Dung kể: “Năm 15 tuổi, tôi thoát ly gia đình theo cách mạng làm giao liên. Người gầy đét, nhỏ con, nhưng cũng mang vác nặng như người lớn, trèo đèo, vượt suối theo các chú. Nhớ có lần qua con sông lớn, nước ngập quá đầu, mà tôi không biết bơi. Ngụp lặn một hồi, thấy tôi mất tiêu, các chú hoảng hồn lặn vớt tôi lên. Sau đó, lúc băng rừng, tôi  lại bị sốt rét ác tính nặng, tưởng không qua khỏi.
Qua 2 lần chết hụt, tôi tâm niệm sẽ hết lòng gắng sức làm công việc cứu người, để trả ơn đời. Năm 1973, sau khi Hiệp định Paris được ký kết, cuộc chiến vẫn ngày càng ác liệt. Lúc ấy tôi là y tá quân y, lại đang mang thai đứa con đầu lòng. Có lẽ do sống và làm việc trong lòng địa đạo gian nan, thiếu thốn, tôi sinh non lúc thai mới 7 tháng.
Bé Kim Ngọc chào đời chỉ cân nặng 1,6kg. Vừa sinh con mới một tiếng đồng hồ thì có lệnh di chuyển chạy giặc gấp, tôi phải gắng vừa bồng con, vừa ôm súng cùng đơn vị chiến đấu trong chiến hào. Hồi ấy, trong lòng địa đạo, bé Kim Ngọc chỉ được nuôi bằng cháo loãng, nước đậu xanh cầm hơi; ủ ấm chỉ bằng hai chai nước ấm kẹp nách. Vậy mà nay Kim Ngọc đã thành một cô gái trưởng thành, giàu lòng nhân ái, luôn ủng hộ mẹ tham gia các hoạt động từ thiện”. 
Vượt qua bao khó khăn, tật bệnh, trở về cuộc sống đời thường, dì Phan Thị Kim Dung mang trong mình nhiều vết thương chiến tranh. Vậy mà đến khi cao tuổi, dì vẫn chưa cho phép mình nghỉ ngơi. Dì tận tụy làm từ thiện để thực hiện điều tâm niệm. Dì Phan Thị Kim Dung tâm sự: “Chính việc hết lòng giúp đỡ mọi người sẽ làm tâm hồn mình giàu lên. Bản thân tôi đã từng sống vất vả, cơ cực trong chiến tranh, vì thế tôi chắt chiu những hạnh phúc đơn sơ và trân trọng cuộc sống này”. 
Làm từ thiện để trả ơn đời
Vượt qua đạn bom, trở về với cuộc sống đời thường, giờ đây vào tuổi 69 với 48 năm tuổi Đảng, dì Dung hạnh phúc vì có chồng là ông Đoàn Ngọc Tứ, thương binh loại 3, vừa là một người đồng chí, vừa là một bác sĩ từng đảm nhiệm chức vụ giám đốc một bệnh viện lớn tại TPHCM, vẫn sát cánh cùng dì. Hạnh phúc bên chồng con, dì Dung càng canh cánh nghĩ đến những phận đời bất hạnh. Dì dặn lòng: “Ngày nào còn đi được, ngày đó còn làm từ thiện”. 
Sau khi dì bị tai nạn giao thông, chúng tôi dặn dì đừng đi xe máy đến trụ sở Báo SGGP nữa, để chúng tôi đến nhà dì nhận tiền ủng hộ từ thiện. Dì phân trần: “Để tôi đi cho chân cứng đá mềm, vì nặng tình, nặng nghĩa với tờ báo”.
Và dì lại đều đặn xuất hiện ở báo, bước thấp, bước cao khó nhọc, khiến chúng tôi ai nấy đều xúc động. Dì Dung tâm sự: “Giúp người là một hành trình không đích đến, nên cần phải nỗ lực mỗi ngày, đồng thời phải không ngừng gìn giữ phẩm chất ấy”.
Chính dì cũng thực hiện điều ấy, dì luôn dành một khoản tiền, chia đều để gửi giúp đỡ tất cả những hoàn cảnh đã đăng trên trang Nhịp cầu nhân ái của Báo SGGP, không sót một người. Lần nào gửi tiền từ thiện xong, dì cũng xuýt xoa: “Tiếc quá! Giá mà có thêm chút nữa giúp họ bớt khổ, bớt bệnh tật, héng con!”.

Tin cùng chuyên mục