Trong những ngày giáp tết cổ truyền dân tộc, không chỉ các cấp chính quyền mà nhiều tổ chức, cá nhân đang tích cực quyên góp, chuyển quà tết đến những đối tượng nghèo là gia đình chính sách, công nhân, người lao động, người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn sống trong các trung tâm nuôi dưỡng. Những lời động viên an ủi, những món quà tết dẫu chưa phải có giá trị lớn nhưng là tình cảm chân thành, ấm áp lòng người, giúp người nghèo có thêm niềm tin, niềm vui trong mấy ngày tết. Hạnh phúc là sự sẻ chia. Suy nghĩ đó đã ăn sâu vào tiềm thức của bao thế hệ. Do vậy, việc chăm lo đời sống nhân dân, giúp đỡ bà con nghèo trong những lúc khó khăn, thiếu thốn, nhất là dịp tết, vừa là trách nhiệm vừa là đạo lý, truyền thống nhân ái của dân tộc ta.
Nhưng để tết năm 2013 đến mọi nhà, mọi người, ngay từ đầu năm 2012, chính quyền TPHCM đã nghĩ đến việc chăm lo tết cho nhân dân, trong đó tập trung cho gia đình chính sách, công nhân, người lao động, gia đình nghèo.
Theo đó, TPHCM đã lên kế hoạch thực hiện chương trình bình ổn thị trường các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu cho Tết Quý Tỵ 2013 với tổng nguồn vốn thực hiện trên 262 tỷ đồng. Khoản tiền này được cấp cho 24 doanh nghiệp mua 9 mặt hàng thiết yếu để dự trữ, phục vụ nhân dân theo cơ chế vay không lãi suất trong 12 tháng. Đây là chương trình có ý nghĩa quan trọng để thực hiện mục tiêu an sinh xã hội. Chính vì thế, trong những ngày giáp tết, TPHCM đã bảo đảm nguồn cung hàng hóa dồi dào, tổ chức mạng lưới đưa hàng đến với người tiêu dùng, nhất là khu vực tập trung số đông gia đình nghèo và hàng chục vạn công nhân tại các khu công nghiệp, khu chế xuất TP.
Thời gian qua, nhiều tổng công ty lớn của TP tổ chức bán hàng lưu động tại các quận ven, huyện ngoại thành; đăng ký quản lý các cửa hàng lương thực tại các khu chế xuất - khu công nghiệp TP; thí điểm mô hình bán hàng đăng ký trước tại một số quận… Riêng những ngày cận tết, các đơn vị tăng thêm phương tiện vận chuyển và tăng tần suất bán hàng lưu động để đưa hàng hóa đến tận tay người tiêu dùng là gia đình thu nhập thấp, công nhân, người lao động.
Khi đi kiểm tra công tác chăm lo người nghèo đón tết, Bí thư Thành ủy TPHCM Lê Thanh Hải biểu dương các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể ở 24 quận-huyện đã nắm sát, nắm chắc tình hình đời sống nhân dân, nhất là đời sống công nhân, người nghèo, gia đình chính sách, người về hưu để chăm lo Tết Quý Tỵ chu đáo. Đồng chí cho rằng, trong hoàn cảnh khó khăn như hiện nay và khả năng còn gặp khó khăn hơn trong năm 2013, các địa phương, đơn vị càng phải gắn bó mật thiết hơn với nhân dân, tập trung giải quyết những vấn đề bức xúc của nhân dân; phát huy tinh thần đoàn kết, nghĩa tình, chung sức vượt khó, quyết tâm vượt qua khó khăn để chăm lo cho dân nhiều hơn, tốt hơn.
Ngoài sự nỗ lực chính quyền TPHCM, các tổ chức, cá nhân, đoàn thể, doanh nghiệp ở TP cũng chung sức chăm lo người nghèo đón tết bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú và thiết thực. Đến nay, TPHCM có gần 9.400 doanh nghiệp phối hợp với tổ chức công đoàn chăm lo cho hơn 713.000 công nhân với tổng số tiền gần 413 tỷ đồng; hơn 25.000 công nhân được hỗ trợ vé xe về quê đón tết với số tiền gần 17 tỷ đồng… Đáng chú ý là nhiều công nhân mất việc, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, nhất là nữ công nhân đang mang thai hoặc nuôi con nhỏ, đã được tổ chức công đoàn chăm lo chu đáo. Cuộc vận động chủ nhà trọ không tăng giá nhà trọ khởi nguồn từ cách làm sáng tạo của quận Thủ Đức vào dịp trước tết năm 2012, giờ đây lại tiếp tục lan tỏa, trở thành phong trào chung ở tất cả 24 quận - huyện ở TPHCM.
Đến nay, chính quyền, đoàn thể các cấp ở TP đã vận động được hơn 59.000 chủ nhà trọ không tăng giá thuê phòng và thực hiện đúng giá điện, nước sinh hoạt, qua đó góp phần giảm bớt khó khăn cho 1,1 triệu công nhân lao động trên địa bàn. Nhiều chủ nhà trọ coi công nhân đang ở thuê như người thân trong gia đình, sẵn chu cấp, giúp đỡ những trường hợp khốn khó. Cảm thông, chia sẻ khó khăn với công nhân, nhiều chủ nhà trọ tạo những điều kiện để cải thiện điều kiện sinh hoạt cho công nhân ở trọ. Nghĩa cử cao đẹp của họ cũng là góp phần vào sự phát triển chung của TP.
TPHCM được xem là mảnh đất của lòng hào hiệp, con người hào phóng, cởi mở và trọng nghĩa tình. Nên mỗi độ tết đến, xuân về, lòng nhân ái, bao dung của người dân ở TP đối với người nghèo lại được hội tụ, lan tỏa.
Tuấn Sơn