1. Trời đổ trận mưa to, cơn mưa mùa hạ. Chúng tôi mặc áo mưa, lần về dấu xưa trên bờ những con kinh đào mà ngày nào từng vang lên câu hát: Con kinh ta đào chưa có nước chảy qua, chỉ có nắng mùa hè nóng bỏng... Người đi chân giả - đồng đội của anh hùng liệt sĩ Lê Minh Xuân, chỉ tay xuống một vạt đồng có con kinh nhỏ chạy mù tăm vào trong hậu bối:
- Có những năm tháng tôi cùng Lê Minh Xuân “chém vè” ở vùng này, nghiên cứu đánh bót Bà Lác. Bót Bà Lác bên kia bờ kinh đấy. Mùa khô thì làm ổ, vạch thành luồng dưới lớp cỏ ống, bò đi khắp cùng như chuột. Nhưng chiều là có bánh mì, vịt quay, la ve... Bà con cất chòi ở, trồng thơm, hoặc làm đìa, họ ủy lạo. Hồi đó dân thương mình vô kể. Đêm đêm hành quân như những bóng ma, diệt ác, lấy bót. Vùng tử địa Bàu Cò, Láng Le này thành nỗi kinh hoàng của địch. Hồi đó là cánh đồng hoang sơ, quê hương của cò, le le trở thành địa danh, bây giờ là quê hương của con người...
Kia, lác đác có nhà xây, sum suê vườn tược. Với diện tích 4.500 ha, nông trường Lê Minh Xuân nằm trong lòng xã Lê Minh Xuân mênh mông đầy mình thương tích. Không thể kể bom đạn tàn phá, chỉ nói riêng bom, mìn, đạn lép đào lên đã phải chở hàng chục xe tải đem phá hủy. Ngoài ra còn phát hiện nhiều hầm, nhiều thùng phuy chôn giấu vũ khí, đạn dược của ta. Lòng đất đầy sắt thép như thế, tử thần rình rập như thế, cho nên từng nhát cuốc khai phá là từng nhịp đập hồi hộp của trái tim. Dân cư ở đây hiện nay hơn hai chục ngàn người. Nông trường đầu tư xây cho xã hai bệnh xá và ba trường học. Các trường học đều mang tên anh hùng Lê Minh Xuân cũng như tên xã và nông trường. Bộ máy hành chính của xã và trường học đều do ngân quỹ của nông trường đài thọ. Tết nhứt, lễ lạt cũng nông trường lo ủy lạo thầy cô và gia đình thương binh liệt sĩ. Đặc biệt hàng năm, đều tổ chức lễ giỗ anh hùng Lê Minh Xuân như gia đình giỗ tổ tiên, nông trường mời chị Trần Thị Chính, vợ anh hùng Lê Minh Xuân về dự...
2. Chị Trần Thị Chính tự bạch cùng hồn thiêng: Nước mắt sanh ly rồi thì nước mắt tử biệt: Anh nên danh để làm biểu tượng đẹp cho đời nhưng đối với vợ con thì anh chẳng có cái nấm mồ để lại cho mẹ con em thắp nhang. Thực tình hồi mới cưới nhau, em chưa biết yêu anh, chỉ lo mắc cỡ. Mười chín tuổi đầu, con trai tới nhà, chạy vô buồng trốn. Tại anh Tư làm cán bộ tỉnh, thương anh, hứa gả em gái. Mới hứa vậy, anh Tư hy sinh. Rồi thì cả nhà thương anh, từ má đến chị dâu, mấy anh chị ruột, cả con Út đều ráp thương anh, đốc vô! Riêng em thì em bảo: “Ai thương thì lấy, tui tự vận”. Nói tự vận vậy mà rồi... ưng. Ngày rước dâu vô xã Lý Mạnh. Bà con ở đó cất cho cái chòi “động phòng” bên Vườn Thơm. Năm 1962, đó là vùng giải phóng. Gọi là tuần trăng mật mà chỉ có ba ngày! Em chưa hết mắc cỡ thì anh đã ra trận. Em trở về Hậu Thạnh, bót giặc sát bên nhà, phập phồng lắm. Mấy tháng sau anh cho người về “móc”, em cũng còn mắc cỡ, không dám đi, làm má phải đưa. Ai đời, đi thăm chồng mà bắt má phải đưa! Rồi từ đó, đời sống vợ chồng chỉ móc móc ráp ráp đâu được vài lần. Nói ra hơi kỳ chớ hôn hít cũng phải dè chừng bom đạn. Xa nhau thì hàng năm, gặp nhau chỉ ngày buổi. Cho nên kể từ ngày cưới cho đến lúc anh hy sinh, tiếng vợ chồng với nhau ngót bảy năm trường mà gặp mặt ăn ở nhau chỉ đôi ba lần, cộng lại đâu vài mươi ngày. Hạnh phúc lứa đôi coi như giấc chiêm bao.
Rồi lần đó, sau Mậu Thân 1968, em đi thăm anh ở Ba Thu, ai ngờ đó là buổi gặp nhau lần cuối. Từ nhà, đi theo đường Sài Gòn, lên Gò Dầu rồi lội bộ vô vùng giải phóng, lên tới tận vùng biên giới. Vào mùa cấy, em bồng con lội đồng nước mênh mông, sái tay, rã giò. Thằng An, Lê Trường An hồi này lên 2 tuổi, sổ sữa, bồng nặng! Bây giờ nó đã tốt nghiệp Đại học Công an, đã đi làm nhiệâm vụ. Bồng con lội nước cả ngày đường, gặp nhau một tối, nói chuyện suốt đêm, sáng ra anh đi, em lại bồng con lội nước trở về. Mồ hôi tuôn đầm đìa cùng với nước mắt...
Chiều hôm lên Ba Thu, nước phèn chua lòm, anh phải đi xách nước ngọt thiệt xa về cho mẹ con em tắm. Anh còn an ủi: “Em ráng nuôi con, chịu đựng gian khổ. Đời bộ đội là phải chấp nhận hy sinh. Mong hòa bình thống nhất, anh mới có dịp mà săn sóc vợ con”. Rồi anh cười, rờ lên cằm đầy râu ria chưa cạo, nói vui là kỳ này sống tới mọc râu, nghĩa là sống tới già. Bởi vì qua Mậu Thân ác liệt dữ dằn mà anh không chết thì còn ác liệt nào hơn mà chết được.
Anh còn kể chuyện: lúc bị vây giáp vòng giữa phố, bộ đội thương vong gần hết, còn lại phân tán mỏng luồn lách mà ra. Riêng anh thì kẹt lại, phải leo lên “chém vè cạn” trên trần nhà, mái tôn nóng muốn điên người. Nghe tên sĩ quan ra lệnh cho lính lục xét căn nhà và dặn lục cả trên trần, anh kể mười phần tiêu mạng. Quả nhiên lát sau, anh nhìn thấy tên lính ló đầu lên trần nhà. Bốn con mắt nhìn nhau trân trân. Dám đâu hy vọng lòng từ thiện của người lính, anh phú cho số phận rủi may. Thời may, người lính lặng lẽ trở ra, báo với sĩ quan là không thấy gì. Tên sĩ quan vẻ không tin, hỏi gặng: “Nếu tao vô lục, có Việt cộng, bắn mày tại chỗ?”. Người lính vẫn một mực đáp cứng. Cả bọn qua nhà khác. Anh thở phào, thầm cảm ơn người lính không hề quen biết, dám cam đoan tính mạng của mình để cứu người. Và anh căn dặn em: làm sao tìm được người lính đó để đền ơn cứu mạng.
3. Chị Trần Thị Chính vẻ trầm tư, khép nhỏ khóe mắt buồn như cố kềm mà không khỏi để tràn ra hạt nước mắt lăn dài xuống đôi má hao gầy. Dáng người thấp, chị bước những bước chân nhẹ êm như sợ làm đau lòng đất đã vùi chôn bao nhiêu xương cốt liệt sĩ hy sinh, trong đó có chồng mình; cho dù chỉ mấy bước để đến bàn thờ treo bức chân dung anh hùng liệt sĩ Lê Minh Xuân. Chị lau nước mắt thắp lên nén nhang, xá vong linh anh bốn xá. Từng nhịp thổn thức của trái tim vợ hiền người anh hùng như có tần số, phát sóng chập vào trái tim của bao nhiêu tấm lòng tìm đến chị. Như chị từng bộc bạch: … em đối với anh… chỉ có nước mắt. Nước mắt người vợ góa thủy chung theo hương khói trôi về cõi thiêng!
Bia đá phù vân hương khói
Lòng nhân trầm tích tình yêu!
THANH GIANG