Trở về từ tuần lễ hội chợ thực phẩm lớn nhất Bắc Mỹ hàng năm vừa được Hiệp hội Các nhà sản xuất nhãn hàng riêng Private Label Manufacturers Association (PLMA) tổ chức tại TP Chicago, bang Illinois (Mỹ), lãnh đạo Công ty Vinamit tỏ ra rất lạc quan với thị trường Bắc Mỹ và châu Âu, bởi đã hơn 30 năm qua, hội chợ thương mại của PLMA được coi là sự kiện công nghiệp của năm, nơi các nhà bán buôn, bán lẻ tìm nguồn cung cho các chương trình nhãn hiệu riêng.
Năm nay có hơn 1.300 công ty từ 40 quốc gia trưng bày sản phẩm, trong đó có Việt Nam với 10 công ty đại diện các thương hiệu nông sản tiêu biểu như: Vinamilk, Vinamit, Vinacaphe Biên Hòa, Hapro, cà phê Trung Nguyên, G.O.C Food… và 15 công ty tham quan tìm hiểu. Trước đó, để đón đầu khi TPP có hiệu lực, Vinamit đã từng bước chuẩn bị từ trước khi ứng dụng công nghệ cao để chế biến những mặt hàng nông sản nhiệt đới với hàng chục loại sản phẩm như mít, khoai lang, khoai môn, chuối, đậu... Các sản phẩm đều có giấy chứng nhận của Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA).
Tuy nhiên, ông Nguyễn Lâm Viên, Tổng Giám đốc Vinamit, cho biết khi đi vào chi tiết về hợp đồng cung cấp sản phẩm, vấn đề chất lượng và an toàn thực phẩm đều đạt. Vấn đề còn lại là giá. Dù giá chào hàng đã thấp hơn sản phẩm cùng loại của Thái Lan, lãnh thổ Đài Loan... nhưng nhà nhập khẩu vẫn yêu cầu giảm thêm. Lý do: Họ chưa thật sự tin tưởng vào chất lượng khi cho rằng nông sản của Việt Nam có chất lượng kém chỉ sau Trung Quốc. Vì vậy, nếu xuất khẩu trực tiếp vào thị trường Bắc Mỹ, các doanh nghiệp nhập khẩu phải mua bảo hiểm cho người tiêu dùng lên đến 50%, trong khi sản phẩm từ Thái Lan, Đài Loan hay một số nước khác trong khu vực chỉ cần mua bảo hiểm từ 5% - 15%. Với thực tế này, đã đến lúc không chỉ đặt ra với doanh nghiệp mà với cả cơ quan quản lý nông nghiệp là phải bắt đầu sản xuất với sự an toàn, chất lượng cao và uy tín.
ĐĂNG LÃM