Gần đây, hầu như tuần nào cũng có vụ vỡ nợ, thậm chí có tuần xảy ra 2 - 3 vụ. Vụ nào cũng mất khả năng chi trả hàng chục tỷ đồng. Những chủ nợ của những vụ vỡ nợ tiền tỷ ấy không chỉ là người nhà quê chân chất, cả tin mà có cả những công chức nhà nước, thậm chí có cả cán bộ ngân hàng cũng bị lôi vào vòng xoáy đến tan nhà nát cửa. Những vụ vỡ nợ không còn “ưu tiên” ở một số vùng, miền nơi mà cuộc sống hối hả, sự chân tình rất khó kiếm mà còn ở rất nhiều tỉnh thành, thậm chí nơi vùng quê lam lũ đã diễn ra ngày một nhiều khiến nhiều người thắc mắc - vì sao người ta có thể dễ tin nhau để cho người khác vay hàng tỷ đồng một cách dễ dàng đến thế?
Con nợ của những vụ lừa đảo (mà người ta thường gọi là những kẻ lừa đảo) là ai mà có khả năng huy động vốn nhanh và giỏi thế? Con nợ của những vụ vỡ nợ gần đây phần lớn là những kẻ giàu xổi, đẹp mã, dẻo miệng; giám đốc các công ty mới thành lập. Các chiêu mà chúng thường dùng là tự đánh bóng tên tuổi bằng nhiều cách: Mua sắm ô tô hạng sang, giới thiệu những dự án hấp dẫn theo kiểu rỉ tai, truyền miệng đến quảng cáo trên báo, đài.
Những vụ vỡ nợ xảy ra liên hoàn ở nhiều nơi khiến có người đồ rằng những con nợ chắc phải dùng bùa mê mới có thể khiến nhiều người mở tủ lấy tiền đưa cho họ. Chẳng có thứ bùa mê, ngải nói nào được dùng trong những vụ vỡ nợ kia. Chiêu thức mang tính quyết định của những kẻ lừa đảo đó là đưa ra khung lãi suất cao ngất ngưởng (thường là 14%/tháng) và người cho vay có thể nhận tiền lãi hàng ngày, hàng tuần thậm chí nhận lãi trả trước. Chỉ cần bỏ ra 1 tỷ đồng cho vay, mỗi tháng ngồi không đã có trong tay 140 triệu đồng tiền lãi.
Vì thế mà nhiều người “say” tiền lãi nên không chỉ thế chấp nhà đất, thu gom tiền bạc của gia đình cho vay mà có nhiều người còn đi vay mượn họ hàng để cho bọn lừa đảo vay lại để kiếm lãi chênh lệch. Một điều mà nếu ai tỉnh táo một chút sẽ thấy ngay những vụ lừa đảo, vỡ nợ dây chuyền thời gian qua đều có bóng dáng của hoạt động “tín dụng đen”, một kiểu làm ăn rất xưa đã để lại nhiều nước mắt cách nay hơn 20 năm của chủ hãng nước hoa Thanh Hương. Tiền lãi nhiều đã làm tối mắt nhiều người đến nỗi lý trí không còn tác dụng và lòng tham đã khiến người ta dễ dàng tin vào những điều mơ hồ, không cơ sở.
Chẳng thế mà một thợ may cũng có thể khiến một cán bộ ngân hàng tích cực vét hết tiền nhà lấy 1,6 tỷ đồng để cho vay. Để ngăn ngừa những vụ vỡ nợ đầy nước mắt đã từng gây chết người, bên cạnh việc luật pháp cần đưa ra những chế định nghiêm khắc thì tự mỗi người phải đặt lòng tin đúng chỗ và không để lòng tham lấn át sự phán đoán thiệt hơn.
Phạm Thục