Tại vòng chung kết (VCK) Asian Cup 2007, khi đó Malaysia là 1 trong 4 nước đồng chủ nhà, báo chí nước này đã dùng từ “thảm họa quốc gia” để miêu tả về các thất bại 1-5 trước Trung Quốc và 0-5 trước Uzbekistan. Còn Bộ trưởng Thể thao và Thanh niên Malaysia đã phải xin lỗi người dân, xem các kết quả ấy là “nỗi xấu hổ quốc gia”. Sau đó, Phó Chủ tịch LĐBĐ Malaysia (FAM) cùng HLV trưởng đồng loạt từ chức, trong khi Chủ tịch FAM tuyên bố lòng tự trọng không cho phép ông từ chức và sẽ ở lại để “chiến đấu” bù đắp nỗi đau cho người hâm mộ. Và chỉ 2 năm sau, Malaysia đoạt HCV SEA Games 2009 bằng một thế hệ cầu thủ chỉ 20 - 21 tuổi. Một năm sau, họ vô địch AFF Cup 2010, kế nữa là bảo vệ HCV SEA Games 2011, vào bán kết AFF Cup 2012. Đến SEA Games 27 lần này, Malaysia vẫn là ứng cử viên số 1 cho ngôi vô địch.
Cũng cần phải nói thêm, khi đội tuyển Việt Nam đá 5 trận toàn thua, thủng lưới tới 14 bàn và chỉ ghi được 2 bàn tại vòng loại Asian Cup 2015 thì Malaysia dù không lọt vào VCK cũng để lại ấn tượng khi thắng 1, hòa 1, ghi 3 bàn và chỉ để thủng lưới 6 bàn. Kết cục như nhau nhưng không thể nói là Malaysia đã thất bại.
Thế nhưng, đến thời điểm này không có bất kỳ ai nhận trách nhiệm về kết quả thi đấu tồi tệ của đội tuyển Việt Nam. Việc chúng ta không vào được VCK Asian Cup 2015 là bình thường, nhưng cái đáng nói là thái độ chơi bóng không thể chấp nhận được của đội tuyển. Nó xuất phát từ kế hoạch chuẩn bị vô cùng sơ sài của LĐBĐ Việt Nam (VFF) khi suốt cả năm chỉ có 3 trận giao hữu quốc tế và chưa đầy 2 tháng tập trung với mục tiêu rất chung chung là “cố gắng” thay vì phải “lọt vào VCK”. Đã thế, dù ký hợp đồng với ông Hoàng Văn Phúc làm HLV đội tuyển nhưng VFF lại để ông Hoàng Văn Phúc tập trung làm việc tại đội U.23, giao đội tuyển cho trợ lý Nguyễn Văn Sỹ. Chưa hết, việc gọi tuyển thủ lên tập trung cũng có vấn đề về tư tưởng cũng như phong độ. “Quân không ra quân, tướng không ra tướng”, thất bại thảm hại của đội tuyển là điều tất yếu.
Câu hỏi đặt ra: Lòng tự trọng của những người có trách nhiệm với bóng đá Việt Nam ở đâu? Trong khi, đội tuyển chính là thể diện của quốc gia. Cầu thủ lên tuyển là làm nghĩa vụ quốc gia và toàn bộ chi phí tập huấn có phần lớn đến từ ngân sách. Không thể dùng tốn kém bao nhiêu thời gian và tiền bạc như vậy chỉ để tham dự với thái độ “chưa đá đã thua”. Chúng ta chưa dùng đến những từ như “thảm họa” hay “nỗi xấu hổ” như người Malaysia đã dùng, nhưng chắc chắn các kết quả thảm hại ấy là một vết nhơ của bóng đá Việt Nam.
Dư luận rất bức xúc trước sự im lặng của VFF và cao hơn là của Tổng cục TDTT và Bộ VH-TT-DL. Sự thua kém về trình độ là có thể giải thích, nhưng thái độ bạc nhược, tinh thần thi đấu kém cỏi thì không thể chấp nhận được. Không thể cứ thất bại lại kêu gào “làm lại” một cách sáo rỗng khi chính những người có trách nhiệm từ cơ quan quản lý nhà nước đến VFF và cá nhân HLV, cầu thủ không có lòng tự trọng để cảm nhận nỗi xấu hổ. Khi sự vô cảm vẫn còn đó, làm sao người hâm mộ có thể tin vào lời hứa của những người đang làm bóng đá?
Bóng đá Malaysia đã dám thừa nhận thất bại của mình và họ cũng dũng cảm để đứng lên ngay tại nơi họ đã gục ngã. Còn chúng ta, sự im lặng hiện thời chẳng khác nào chạy trốn!
VIỆT QUANG