Lớp học đặc biệt của tiến sĩ “cộng đồng”

Trong suốt 10 năm qua, những lớp học được dựng lên ngay dưới mái nhà dân, bên tán cây hay bãi biển, còn thành viên lớp học là nông dân, ngư dân… TS Chu Mạnh Trinh, chuyên gia bảo tồn của Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm, TP Hội An, tỉnh Quảng Nam, đã tổ chức nhiều lớp học như vậy để hỗ trợ người dân tiếp cận bảo tồn, phát triển du lịch từ chính người dân bản địa.

Lớp học không phòng

Một vài chiếc bàn, ghế được sắp xếp nằm trên ngọn đồi, xung quanh là cây cỏ, hàng dừa vươn cao tỏa bóng mát, phía xa là màu xanh của biển cả mênh mông làng Gò Cỏ, xã Phổ Thạnh, huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi. Chỉ thế thôi đã trở thành lớp học “không phòng” của bà con và thầy giáo chính là TS Chu Mạnh Trinh, người được bà con quý trọng gọi là TS “cộng đồng”.

Ở lớp học này, “học sinh” không nhất thiết phải mang theo giấy, bút, sách, vở. Họ mặc đồ lao động hàng ngày, thậm chí có ngư dân vừa trở về từ biển, vẫn còn mang trên mình mùi cá tôm cũng vội vã chạy lên lớp. Bắt đầu buổi học, thầy Chu Mạnh Trinh kiểm tra kiến thức bà con đã học được từ những buổi trước bằng việc phác họa bản đồ.

Ông cụ 70 tuổi “xung phong” vẽ con đường vào làng, các bà, các cô tiếp tục vẽ các địa điểm như trường học, đình làng, biển, cây cối… Trong lúc bà con say sưa vẽ, thầy giáo nhắc nhở: “Bà con vẽ những địa điểm nổi bật mà bà con nghĩ rằng du khách đến tham quan sẽ thích thú. Mỗi bà con tham gia vào bản đồ này phải biết rõ lai lịch địa điểm để còn hướng dẫn khách đến”.

Bà Bùi Thị Dìn cầm cây bút màu vẽ một địa danh tên là “Ngã ba Ông Đồn”. Chúng tôi mới đến làng, nghe tên lạ, thì được bà Dìn giải thích: “Gọi là Ngã ba Ông Đồn do hồi trước, ngư dân, trai tráng đi biển, nhiều người trong làng ra ngồi ngóng ở ngã ba và đàm chuyện”. Té ra từ “đồn” là phương ngữ chỉ việc chuyện trò, bàn tán.

TS Chu Mạnh Trinh cho biết: “Người dân bản xứ chính là những nhà sử học đang tồn tại ngay trong vùng văn hóa của chính họ. Người dân biết rõ giá trị văn hóa, tài nguyên thiên nhiên, cộng đồng, những thông tin này sẽ tiếp tục củng cố trong lớp học. Người thầy chỉ mang họ trở về với cội nguồn và hướng dẫn họ cách ứng dụng những kiến thức sẵn có, khai thác thế mạnh địa phương. Từ đó, trên nền tảng này, họ áp dụng vào thực tế. Đầu tiên chính là kinh tế, mà điển hình là du lịch cộng đồng; ở một số địa phương khác có thể là tạo môi trường thúc đẩy nông nghiệp, thủy sản… phát triển”.

Lớp học đặc biệt của tiến sĩ “cộng đồng” ảnh 1 Tiến sĩ Chu Mạnh Trinh nói chuyện với bà con làng Gò Cỏ về du lịch cộng đồng 

Trong lớp học, mỗi nông dân, ngư dân đều vận dụng kỹ năng riêng biệt như: trồng trọt, nấu ăn, đánh lưới, chèo thuyền… để ứng dụng vào du lịch địa phương. TS Chu Mạnh Trinh nói: “Mỗi lớp học chỉ khoảng 10 người, có khi nhiều hơn, thế nhưng không chỉ học trong 1 tuần, 1 ngày là biết làm du lịch cộng đồng. Do đó, công việc của thầy giáo là cầm tay chỉ việc, hướng dẫn cách làm du lịch phù hợp với địa phương”.

Để tạo điều kiện cho người dân thực hành du lịch, TS Chu Mạnh Trinh đã kết nối phương pháp vừa học lẫn nhau, vừa thực hành bằng cách đưa đoàn sinh viên từ các trường ở trong và ngoài nước đến. Qua đó, sinh viên học hỏi những kiến thức từ người bản địa, ngược lại, người dân có cơ hội thực hành du lịch cộng đồng, học cách bố trí homestay, đón khách… Sau khi người dân đã hiểu thì thầy lại đứng xa hơn để mỗi người tự làm chủ lớp học. 

“Đánh giá tác động của lớp học còn là thực hành, áp dụng. Mình lo lắng họ có làm được homestay không, có tổ chức trò chơi hay hướng dẫn du lịch được không. Khi 5 năm, 10 năm, công nghệ thay đổi, rồi bà con có áp dụng được cái mới, cái hay để làm du lịch được không. Mình cứ theo bà con miết, riết rồi cái duyên, cái nghiệp của nghề dạy gắn bó mãi”, TS Chu Mạnh Trinh tâm sự.

Trong suốt 10 năm gắn bó với lớp học, TS “cộng đồng” đã góp sức cho các mô hình du lịch cộng đồng, quản lý rừng dừa nước tại xã Cẩm Thanh (TP Hội An, tỉnh Quảng Nam), xây dựng đề xuất đối với du lịch Lý Sơn (Quảng Ngãi) tiếp cận bảo tồn và phát triển bền vững, hỗ trợ nhiều sinh viên trong khóa học mùa hè - lưu vực xanh Hòa Bắc (Đà Nẵng) trong bảo tồn văn hóa, môi trường cho cư dân vùng Hòa Bắc và Đà Nẵng.

Đồng thời, xây dựng, hướng dẫn người dân xã phường phân loại rác tại nguồn ở huyện Núi Thành (tỉnh Quảng Nam), “Nói không với túi ni lông và rác thải nhựa” tại Cù Lao Chàm (TP Hội An, Quảng Nam) và nhiều dự án cộng đồng khác.

Có duyên với nông dân, ngư dân

TS Chu Mạnh Trinh đã gắn bó với công tác bảo tồn suốt hơn 20 năm qua, thế nhưng chỉ 10 năm trở lại đây, ông mới bắt đầu đi dạy học ở các trường đại học, rồi đồng hành cùng nông dân, ngư dân trong các lớp học cộng đồng.

Ông cho biết: “Tôi có thời gian nghiên cứu chủ yếu về thủy sản, nông nghiệp gắn liền với bảo tồn biển và dần nhận thấy cần phải đi sâu hơn. Tôi bắt đầu dạy học ở trường đại học, dạy cho các sinh viên trong nước, ngoài nước và đi đến nhiều nước trên thế giới để học hỏi. Tôi phát hiện rằng, nếu chỉ đứng trên giảng đường và nói về nghiên cứu thì học trò cũng chẳng hiểu vì nó rất trừu tượng, còn người dân lại càng khó tiếp thu hơn”. Người thầy về bảo tồn thì có thể nghiên cứu, phát hiện; nhưng trực tiếp tham gia vào công tác bảo tồn phải là người dân bản địa.

Cũng giống như lớp học ở trường, lớp học cộng đồng cũng sẽ có đầy đủ các bản giáo án, phiếu điểm... Chỉ có điều, ở đây sẽ là những giáo án đặc biệt xây dựng bằng hình ảnh thật hay tấm gương từ chính người bản địa.

TS Chu Mạnh Trinh chia sẻ: “Không chỉ người dân tham gia lớp học, người thầy cũng mở rộng thảo luận cùng bà con. Làm sao để bà con cùng làm, cùng thực hiện, cùng phân loại rác, hạn chế sử dụng bao bì nhựa, làm phân hữu cơ. Việc gợi ý bằng cái đẹp như một ngôi làng đẹp, bãi biển đẹp, những giá trị thiên nhiên mà dân làng sẵn có, từ đó thôi thúc bà con ý thức được để thiên nhiên quê hương mình đẹp hơn thì cần phải giữ gìn, không vứt rác bữa bãi, khai thác tận diệt...”.

TS Chu Mạnh Trinh cho biết: “Việc đánh giá lớp học cộng đồng không phải dựa trên điểm số mà dựa trên mức độ tham gia lớp học. Bà con có lắng nghe không, có hỏi nhiều không, có thích không, có bỏ về giữa chừng không, chính quyền cảm thấy lớp học thế nào. Đánh giá này cũng tác động đến việc nâng chất lượng dạy của thầy giáo (lý do người dân bỏ về, lý do mà chính quyền chưa tiếp thu...) nên mọi phương pháp dạy đều phải gần dân, do dân làm chủ”.

Các hướng dẫn viên bảo tàng thuyết minh bằng kiến thức, nhưng hướng dẫn viên là cư dân bản địa thì lời nói của họ phát ra từ trái tim và tình yêu quê hương. TS Chu Mạnh Trinh trân quý những kỷ niệm cùng ăn, cùng ở, cùng làm việc với người dân; được thưởng thức những món ăn dân dã như bánh khoai mì, bánh dừa, rau hoa nghệ... 

Nhiều người dân làng Gò Cỏ tham gia lớp học của TS “cộng đồng” đều vui vẻ nói rằng: “Thầy Trinh nói rồi, phải bắt con cá sống chứ không bắt con cá chết”, nghĩa là du lịch cộng đồng chỉ phát triển với những giá trị đang hiện hữu, dùng cái tồn tại để nuôi lâu dài... chứ không chỉ “một bữa no”.

“Khi tôi làm bảo tồn, tôi thường nhìn những đứa trẻ nhỏ trong làng cộng đồng. Theo thời gian, tôi phát hiện ra chúng đã lớn lên tự lúc nào và giờ chúng là đồng nghiệp của tôi”, TS Chu Mạnh Trinh tâm sự. Bảo tồn là cả quá trình, khi lớp người cũ đã ra đi, người mới kế thừa vẫn phải giữ gìn. Những người góp công vào du lịch cộng đồng như TS Chu Mạnh Trinh sẽ là “nền móng” vững chắc.

Tin cùng chuyên mục