Đó là lớp học Ngôn ngữ ký hiệu do Tổ chức Cộng đồng điếc câm TPHCM phối hợp cùng Khoa Công tác xã hội Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn TPHCM (KHXH - NV) thực hiện miễn phí. Lớp học được tổ chức từ ngày 30-9-2012 và sẽ diễn ra vào chủ nhật hàng tuần tại phòng D601 (ĐH KHXH - NV TPHCM).
Xóa dần khoảng cách
Trong một lớp học mà giáo viên vốn bị câm điếc, nhưng lại có sức hút kỳ lạ khi buổi học nào trong phòng học cũng đông nghẹt học viên. Thầy và trò không dùng micro, chẳng lời nói như lớp học bình thường. Không một lời nói thốt ra, chỉ có những cử động của đôi bàn tay.
Học ngôn ngữ ký hiệu không còn mới, hiện đã có những trung tâm mở lớp dạy ngôn ngữ ký hiệu. Tuy nhiên, phần lớn các bạn trẻ không theo học bởi vì phải đóng tiền nên không phổ biến ngôn ngữ ký hiệu ra cộng đồng. Suy nghĩ thế nên cô Phạm Cao Phương Thảo, Chủ nhiệm Tổ chức Cộng đồng điếc câm TPHCM quyết định mở lớp học ngôn ngữ ký hiệu miễn phí để nhiều người được học ngôn ngữ ký hiệu. Lớp học mới mở được hai tuần nhưng lúc nào cũng không còn chỗ trống, mà danh sách đăng ký cứ dài thêm.
“Tôi đang cố xin thêm phòng học để đáp ứng nhu cầu học ngôn ngữ ký hiệu của các bạn, càng nhiều người học càng thấy vui mà” - cô Phương Thảo bộc bạch. Vui bởi lẽ cứ thêm một người học có nghĩa là sẽ có thêm một người biết ngôn ngữ ký hiệu, qua đó rút ngắn khoảng cách trong quan hệ giao tiếp hàng ngày giữa người bình thường với những người khuyết tật. Cô Thảo giải thích: “Thêm nhiều người biết ngôn ngữ ký hiệu thì sẽ lợi cho các em khuyết tật, nhất là khi các em ra đời, các em hòa nhập, nói chuyện bằng tay sẽ có nhiều người hiểu lời nói, cảm xúc của các em. Từ đó các em hòa nhập tốt với cộng đồng”.
Lớp học do chính con trai cô, thầy Đoàn Phạm Khiêm, cũng là một người câm điếc dạy. Bản thân thầy Đoàn Phạm Khiêm dù có nhiều tổ chức mời về dạy, nhận lương đầy đủ nhưng thầy không nhận lời. Vì dạy như vậy sẽ hạn chế số người học. Điều đó cũng có nghĩa ngôn ngữ ký hiệu không được phổ biến rộng rãi ra cộng đồng.
Nhiều người từng thắc mắc, vì sao không chọn một người bình thường biết ngôn ngữ ký hiệu để dạy? Cô Phương Thảo lý giải: “Người bình thường dạy môn học này sẽ không thể giàu cảm xúc khi truyền đạt với người học như người bị thiểu năng nghe, nói cùng cảnh ngộ”. Vì lẽ đó, trong lớp học này, cả thầy và trò đều chỉ giao tiếp bằng tay, hoàn toàn không tiếng nói.
Yêu thương không lời
Sáng chủ nhật tuần rồi, chúng tôi đến dự lớp học. Bên trong rất đông học viên nhưng không khí lớp thật yên lặng. Các học viên chăm chú dõi theo từng cử chỉ trên đôi bàn tay thầy Khiêm rồi mắt nhìn, tay bắt chước theo. Hôm đó học về bảng chữ cái, bảng chữ số, lần lượt từng người lên bảng thực hiện các động tác tay. Bên dưới, những cánh tay thi nhau giơ lên để múa dấu kèm theo những tiếng cười thích thú.
Bạn Võ Minh Trọng, sinh viên năm 2 Đại học Y Dược, chăm chú múa dấu tay, đôi khi vài động tác quên liền hỏi ngay người bên cạnh. Trọng giải thích: “Ngôn ngữ ký hiệu không khó học vì các từ đã được ký hiệu sao cho thuận chiều di chuyển ngón tay. Tuy nhiên lại hay dễ quên, hay bị lộn nên phải học kỹ từng chữ”. Trọng đến với lớp học qua trang facebook của lớp. Chưa từng tiếp xúc với người câm điếc, nhưng bạn vẫn quyết tâm đi học để mai này có thể sử dụng. Theo Trọng, đây cũng là dịp để tiếp thu thêm kiến thức cho cá nhân, bởi học ngôn ngữ ký hiệu cũng giống như học một ngoại ngữ mới.
Bạn Lê Thị Vân, sinh viên năm 4, Khoa Công tác xã hội, ĐH KHXH - NV TPHCM, đã từng tiếp xúc với người câm điếc qua những buổi thực tập suốt 4 năm. Tuy nhiên, theo Vân, một điều bất cập là nhà trường chỉ dạy cách làm việc với người khuyết tật nhưng không được học ngôn ngữ ký hiệu. Vì thế khó giao tiếp hiệu quả.
Vân cho biết: “Mỗi lần thực tập mình phải dùng đủ mọi cách như viết ra giấy, nhờ người khác chỉ vài ký hiệu nên rất bất tiện. Vì thế, mình đi học lớp này để trau dồi kỹ năng công tác xã hội của mình”. Trong lớp học, phần lớn là sinh viên ngành công tác xã hội nhưng cũng có sinh viên các trường sư phạm, công nghệ thông tin, kiến trúc… Nhiều bạn chia sẻ, muốn đi học để có thể giao tiếp, đồng cảm và hiểu hơn về cuộc sống những người không may mắn như mình.
Kết thúc buổi học, nhiều học viên vẫn nán lại cùng bạn bè ôn lại bài vừa được học. Lê Thị Quyên, ĐH Kiến trúc TPHCM, chia sẻ: “Sau buổi học, mình rất thú vị khi cảm nhận được nỗ lực truyền tải của thầy qua ánh mắt, nét mặt và sự hứng thú của các bạn. Mình cảm thấy thật gần gũi, không có sự phân biệt giữa thầy và trò, ai cũng hướng đến mục đích chung là cùng hòa nhập với người khuyết tật”.
Trần Như Quỳnh