Hội Nông dân xã Phong Phú (huyện Bình Chánh, TPHCM) có 908 hội viên và không nông dân nào thuộc diện nghèo. Đặc biệt, từ quán cà phê cá lia thia lạ và hay do Chủ tịch Hội Nông dân xã làm chủ, nhiều nông dân nuôi cá lia thia đã vươn lên làm giàu.
Chủ quán tên Đỗ Văn Thảo, 38 tuổi, xuất thân từ một nghề không dính dáng gì đến nông nghiệp, nguyên Đảng ủy viên, nguyên Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự xã Phong Phú. Nhưng từ khi Thảo được phân công sang làm công tác quản lý chuyên môn về nông nghiệp, Thảo đã “vào vai” một cách xuất sắc. Gặp nhau tại quán cà phê Cá Lia Thia đặc biệt của Thảo (ấp 4), anh hồ hởi nói: “Làm xã đội hay làm nông dân đều phải chuyên tâm với công việc được giao. Từ khi buông “tay súng”, tôi mở quán cà phê này với mục đích ban đầu là thu hút hội viên nông dân đến để chia sẻ kinh nghiệm chăn nuôi, trồng trọt và giúp nhau vượt khó. Tuy nhiên, mọi sự đã thay đổi theo hướng tốt hơn từ khi tôi bắt tay vào nuôi cá lia thia chọi”.
Anh Thảo say sưa kể về những ngày tuổi thơ gắn với đồng đất, với những ổ cá lia thia ruộng bắt về ngoài tự nhiên rồi thuần dưỡng, chăm nuôi. Song từ khi nhịp độ đô thị hóa cấp tập, lũ cá ngoài đồng không còn môi trường thích hợp, lại gặp phải quá nhiều hóa chất nên dần biến mất khỏi ruộng đồng Phong Phú. Thảo cũng lớn lên với niềm vui tuổi thơ, đi học, làm việc rồi mở quán cà phê. Mọi sự cứ diễn tiến tự nhiên như bản chất của chàng thanh niên xuất thân ruộng đồng.
Gặp nông dân Dương Văn Cường (42 tuổi, ấp 1) đang chăm chú “giảng bài” cho các “học trò nông dân” khác tại quán, chúng tôi mới hiểu mô hình cà phê này hay và lạ là chỗ thầy, trò đều lấm lem bùn đất, bài giảng chỉ là “kinh nghiệm miệng”, kiến thức thì thầy, trò đều sàn sàn như nhau. Anh Cường oang oang: “Cứ 1m3 nước giếng, chúng ta phải lọc 3 lần, sau đó pha thuốc sát trùng diệt khuẩn, rồi cho 1 muỗng cà phê clorin vào khuấy đều. Làm sao để độ PH của nước đạt 7 - 7,5 là chuẩn. Bà con nhớ là xử lý nước xong, phải sục khí cho thoáng rồi mới thả cá bột. Đó là khâu quan trọng nhất”. Theo Cường, cứ mỗi 20 cặp cá bố mẹ, sẽ ương ra 6.000 cá bột. Sau 1 tháng thì phân loại đực - cái rồi đưa vào hồ xi măng. Nhờ học hỏi từ quán cà phê Cá Lia Thia, cứ mỗi 2,5 tháng, Cường bán cá trống giá 7.000 đồng/con và xuất mỗi lần 500 cá trưởng thành. Anh Cường không chỉ có 1 hồ xi măng mà đến 4 hồ như thế.
Chiêu ngụm cà phê, nông dân Nguyễn Văn Minh (ấp 2, 55 tuổi) phổ biến kinh nghiệm riêng: “Do thường đi làm thợ hồ nên tôi xây hồ xi măng cho mình với diện tích 8m². Cứ mỗi tuần, tôi cho cá lên hũ (là loại cá chuẩn bị bán) khoảng 3.000 con, thu về 21 triệu đồng/tháng. Tôi nuôi cá từ 7 năm nay nên hay ra quán cà phê Cá Lia Thia chia sẻ kinh nghiệm với bà con”.
Chủ quán cà phê Cá Lia Thia kiêm “hiệu trưởng” Đỗ Văn Thảo cho biết: “Với vai trò đảng viên, tôi thấy nhiều hội viên nông dân vươn lên làm giàu từ nghề này, trở lại giúp hội viên khó khăn hơn bằng con giống, kinh nghiệm, kỹ thuật nuôi, tôi rất mừng… Thêm vào đó, còn có 32 hội viên nông dân trở thành đảng viên từ các mô hình sản xuất như thế. Tôi hiện có 6.000 hũ cá chuẩn bị xuất bán, trung bình mỗi tháng thu nhập 10 triệu đồng. Gần đây do bắt được mối lớn từ Hà Nội vào đặt hàng, tôi còn thu gom cá của bà con cho đủ số lượng đơn hàng. Tôi ước mong nhiều hội viên nông dân khác cũng quan tâm đến cái nghề ít tốn diện tích, ít vốn, dễ làm như nghề nuôi cá lia thia này. Còn với vai trò chủ tịch hội, còn hạnh phúc nào hơn khi chứng kiến hội viên của mình thành công”.
MINH ANH