Lũ hại bất cập lợi

Người dân sinh sống ở ĐBSCL, cũng như đồng bào ruột thịt cả nước, không ai chờ đợi lũ về miền lúa gạo. Nghe ngóng tin tức lũ gây vỡ đê, gây chết người… mà lòng quặn thắt âu lo. Giữa khi nông dân, bộ đội, công an, dân phòng đang xông pha củng cố bờ bao chống lũ, còn có nhiều phóng viên, nhà khoa học lặn lội xuống hai vùng trũng tiêu biểu là Đồng Tháp Mười và Tứ giác Long Xuyên để vừa chia sẻ vừa tìm hiểu thực trạng, qua người thật, việc thật của người đồng bằng đã “chung sống với lũ” như thế nào? Qua tiến trình từ phương án “chống lũ” đến “né lũ” rồi rút ra kinh nghiệm “chung sống với lũ” sao cho tốt nhất.

Gút lại các cuộc khảo sát thực tế này đã cho mọi người một câu hỏi khá lý thú nhưng đắt giá là: “ĐBSCL nếu mỗi năm lũ không về thì sẽ ra sao?”. Giải đáp câu hỏi cắc cớ này: “Tuy lũ có hại, nhưng hại không bằng lợi, nếu chúng ta biết chung sống và khai thác nó”.

Đắt giá vì chuyển hóa từ trong hại thành lợi là không dễ dàng. Hại như thế nào thì ai cũng đã biết, nhưng lợi không phải ai cũng biết. Ví như một lão nông mời khách về nhà nhấm rượu với đặc sản mùa lũ, cầm con chuột nướng lớn lên cắn, rồi nói “cỡ con chuột này mùa tới sẽ xơi hết 5kg lúa/vụ. Lũ không chỉ quét sạch chuột, ốc bưu vàng, ổ dịch bệnh, giúp nông dân canh tác giảm chi phí diệt chuột, trừ dịch. Lũ còn giúp nhiều người có thu nhập cao vào mùa nước nổi, như đánh bắt rắn, chuột… 1kg rắn có thể bán giá 100.000 đồng, nhẹ nhàng như chèo ghe đi hái bông điên điển, bông súng hay gương sen, cũng có thể kiếm được 300.000 đồng/ngày. Sản phẩm “mùa nước nổi” làm xôn xao, phong phú thêm phiên chợ và xe vận tải có dịp tăng chuyến.

Đó chỉ mới là những món lợi nhỏ, còn hai mối lợi lớn cơ bản còn đòi hỏi nghiên cứu điều tiết để tận dụng, đó là phù sa màu mỡ và lúa vụ 3. Một cách thử nghiệm đơn giản của nông dân ở trũng Tứ Giác Long Xuyên, đặt một tấm ván chìm xuống lòng nước lũ, mới đến giữa mùa lũ thi trên tấm ván đã đóng dày phù sa 3mm, lượng màu mỡ này có thể thay thế 50% phân bón lúa. Vụ 3 tuy chưa được chính quyền khuyến khích, nhưng một nông dân bạo gan đã làm thử 2.000ha, trong 2.000ha này, lũ năm nay chỉ gây thiệt hại 15ha, số lớn còn lại cùng với giá lúa bán được cao, nên “hại bất cập lợi”.

Vấn đề khó hiện nay là nghiên cứu thủy lợi nội đồng, đã có dự thảo, nên giảm thiểu hệ thống đê bao, nhưng chưa có kết luận vững chắc. Dù sao thì trước mắt, “chung sống với lũ” có thể tìm được lợi trong hại. 

LÊ VĂN SÂM

Tin cùng chuyên mục