(SGGPO).- Lũ dọc sông Gianh ở ba huyện Tuyên Hóa, Quảng Trạch, Ba Đồn (Quảng Bình) đang khiến hơn 20 xã, thị trấn bị chia cắt với thế giới bên ngoài. Có mặt trong vùng lũ lớn lần này, PV Báo SGGP ghi nhận nhiều gia đình không còn đồ để chạy vì trận lũ trước đã trắng tay.
Còn độc bộ áo quần
Vật lộn với nước xiết, mưa lớn, chúng tôi vào xã Mai Hóa, người dân chỉ tay ở xóm Làng miết giữa biển nước, ngoài đó ngập nặng. Cả đêm không ít người phải sơ tán lên vùng cao nhất của Quốc lộ 12A chạy lũ.
Lũ ngập nhà dân tại xã Cảnh Hóa, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình. Ảnh: Minh Phong
Chị Nguyễn Thị Mận kể: "Nhà có 2 vợ chồng với ba đứa con. 3h sáng nước lên quá nhanh, chồng chỉ biết kêu cả nhà dậy, cõng mấy đứa rồi xách tay tui lên thuyền máy hàng xóm chạy cấp tốc lên chỗ cao mà tránh lũ".
Cả ngày, chị Mận cùng các con ngồi trên bờ đê ngó về nhà ướt sũng sau lũy tre, không biết chồng mình thế nào. Hỏi vì sao bố của bọn trẻ không đi theo, chị Mận nói: "Dạ ông ấy ở lại giữ nhà, cột lại bốn cái cột để nhà không bị trôi".
Hỏi trong nhà còn gì không, chị Mận lau nước mắt: "Chỉ còn cái xác nhà, tất cả trôi hết, sót lại 3 con gà mà cũng không biết đi đâu rồi. Còn cái tivi trận lũ trước nhấn chìm cũng không biết còn không. Chừ mong ba chúng neo được cái khung nhà để lũ xuống có chỗ chui vô chui ra".
Chị Nguyễn Thị Mận chạy lũ trong đêm với 3 đứa con, lo không biết chồng có giữ nổi nhà xiêu vẹo từ trận lũ trước hay không. Ảnh: Minh Phong
Ông Hà Văn Thảo ở xã Mai Hóa cho biết: "Trận lũ ni chạy thì chạy cái mạng người, lo cái mạng người cho chắc sống sót đã, chứ trong nhà chẳng lo chi nữa. Vì lũ trước cuốn mất hết rồi, lũ ni nó vào chả tìm chi ra mà cuốn".
Chị Nguyễn Thị Nguyên nói: "Trận lũ này nước lên còn nhanh hơn trận trước, loay hoay thu dọn mấy bộ áo quần khô mà trở ra nước đã lên ngang cổ rồi, áo khô cũng chẳng còn mà mang. Gạo cơm vừa nhận cứu trợ xong cũng bị lũ cuốn luôn. May còn cái thân mà hết lũ thì lao động mà mưu sinh".
Chị Nguyễn Thị Nguyên ở Bắc Hóa, Mai Hóa, Tuyên Hóa, Quảng Bình trước căn nhà lũ ngập mái. Trận lũ trước nhấn chìm toàn bộ đồ đạc, trận lũ lần này chị cũng trắng tay. Ảnh: Minh Phong
Cứu đầu cơ nghiệp
Ông Trần Văn Giáo, Chủ tịch UBND xã Mai Hóa xác nhận: "Trận lũ này nước quá hỗn, hiện tại xã chưa thể thống kê bao nhiêu hộ bị thiệt hại, ngập nặng. Chỉ biết nước dâng quá báo động 3 đến hơn 1m và vẫn chưa có dấu hiệu rút. Bà con thiệt hại lớn từ trận lũ trước, chừ nhiều nhà chả còn gì để mất. Những nơi cao nhất là mấy chiếc cầu thì bà con nương vô tránh lũ".
Người dân dọc sông Gianh trong mùa lũ này may mắn có một số cây cầu trở thành chiếc phao khổng lồ cứu sống nhiều nhân mạng và gia súc. Ông Cao Xuân Ngọc, Chủ tịch UBND xã Quảng Hải cho biết: "Đê vỡ, dân báo động toàn xã, bà con dắt trâu bò lên cầu Quảng Hải đầu tiên để tránh nước, cứu đầu cơ nghiệp trước nhất để mong có sức cày bừa, tạo dựng cuộc sống sau lũ".
Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Hạnh vừa đưa được cặp bò mẹ con lên nói: "Bò thì sợ nước, tui phải dầm mình kéo con mẹ đi thì con con mới bơi theo, may mà cả mẹ con an toàn, cứu được đầu cơ nghiệp trong trận lụt ni rồi chú ơi".
Lực lượng cứu hộ xã Phong Hóa di chuyển người già ra khỏi vùng nguy hiểm. Ảnh: Châu Quốc
Trên cầu Văn Hóa nối xã Cảnh Hóa với xã Văn Hóa, làng hai bên nước ngập sát nóc, người dân vùng trũng thấp đưa đồ lên đường.
Ông Nguyễn Văn Cường, xã Văn Hóa cho biết: "Nhờ chiếc cầu mà nhiều trâu bò, heo gà, mạng người được cứu sống. Ngày xưa mưa lũ, không có cái cầu này, thiệt không biết kêu ai. Người chết thì phải quàn tầng 2 trường học, chờ lũ rút, còn trâu bò trôi thì nhìn mà khóc, chừ có cầu, nhiều nhà bảo tồn được sức nông nghiệp".
Vào vùng lũ Châu Hóa, nhiều người dân cho xe máy, trâu bò, lợn gà, dựng lều bạt để chạy lụt. Ông Nguyễn Đữ Hữu nói: "Có cầu cứu dân nhiều lắm, cứu hộ đi qua cũng nhanh, chứ trước đây, không có cầu, cứu hộ có qua phải vượt nước xiết khó tiếp cận".
Cầu Quảng Hải, phao cứu sinh của dân vùng lũ. Ảnh: Minh Phong
Ngày 1-11, các lực lượng quân đội, công an, biên phòng cùng cán bộ địa phương hàng ngàn người đã có mặt tại các vùng lũ sông Gianh để cứu dân, giúp di dời người già, trẻ em, phụ nữ đến nơi an toàn.
Minh Phong