(SGGP).- Ngày 5-11, tại TP Buôn Ma Thuột tỉnh Đắk Lắk, Hội Thủy lợi Việt Nam đã tổ chức hội thảo “Đánh giá nguồn nước các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên trong điều kiện biến đổi khí hậu” và cho biết đỉnh lũ ở Tây Nguyên ngày càng lớn, với tần suất xuất hiện nhiều và dày.
Nguyên nhân do nạn chặt phá rừng đầu nguồn và phá rừng làm thủy điện tràn lan… Trước tình trạng trên, nhiều đại biểu cảnh báo sớm kiên cố hóa hệ thống kênh mương, hiện đại hóa hệ thống thủy lợi; xây dựng bản đồ ngập lụt; trồng và bảo vệ rừng đầu nguồn… Tây Nguyên hiện có 2.115 công trình thủy lợi, trong đó có 1.035 hồ chứa, 974 đập dâng và 106 trạm bơm với tổng diện tích tưới hơn 237.000ha.
*Cùng ngày, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Gia Lai cho biết, vừa khởi tố bị can, bắt tạm giam 4 tháng đối với ông Trần Đình Thanh, nguyên Trưởng Ban Quản lý rừng phòng hộ Ayun Pa (tỉnh Gia Lai), vì vi phạm các quy định về quản lý bảo vệ rừng. Ông Trần Đình Thanh đã nghỉ hưu năm 2009, nhưng trong thời gian làm Trưởng BQL rừng phòng hộ Ayun Pa đã giao khoán trái quy định hàng trăm hécta rừng thuộc xã Pờ Tó, huyện Ia Pa (tỉnh Gia Lai), dẫn đến việc phá rừng trái phép, gây thiệt hại nghiêm trọng.
Ngày 5-11, Cơ quan CSĐT Công an huyện Kông Chro (tỉnh Gia Lai) cho biết đang khẩn trương làm rõ vụ án khai thác gỗ trái phép quy mô lớn tại Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Ia Pa (huyện Kông Chro). Qua kiểm tra, tại khu vực rừng thuộc lô 1, khoảnh 2, tiểu khu 738, có 106 cây căm xe, cà chít bị chặt hạ trái phép, khối lượng gỗ hơn 51m3. Trước đó cơ quan chức năng huyện Kông Chro phát hiện tại lô 7 và 9, khoảnh 3 và 4, cùng tiểu khu 738 có thêm 57 gốc cà chít bị đốn hạ với khối lượng thiệt hại 44,7m3. Tổng khối lượng gỗ bị khai thác trái phép trên 95m3.
Trong lúc cơ quan chức năng đang điều tra làm rõ, chiều tối 3-11, ông Phan Văn Trung, Chủ tịch UBND huyện Kông Chro, khi kiểm tra hiện trường đã phát hiện thêm tại tiểu khu 739, cũng thuộc Công ty Lâm nghiệp Ia Pa, có hơn 60m3 gỗ căm xe, cà chít, dầu, bằng lăng bị chặt hạ ngổn ngang.
C.HOAN - Đ.TRUNG