Lũ quét và lốc ở miền Bắc, 6 người thiệt mạng

  • Cà Mau, Đắc Lắc: Hàng ngàn hécta lúa hè thu bị ngập úng

(SGGP).-  Do bão số 2 di chuyển nhanh nên hôm qua 23-6, nhiều địa phương ở miền Bắc đã có mưa to đến rất to như Lào Cai, Yên Bái, Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh. Các tỉnh ở Bắc Trung bộ như Thanh Hóa, Nghệ An cũng có mưa trên diện rộng.

Tại tỉnh Yên Bái, do mưa lớn kéo dài trong đêm 22 và sáng 23-6 nên đã gây ra lũ quét ở thôn Sua Lông, xã Nậm Khắt, huyện Mù Cang Chải (Yên Bái) làm 4 người bị thiệt mạng. Đến chiều và tối qua, lực lượng cứu hộ của địa phương mới tìm được thi thể của cháu Thào A Hù.

Theo Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão tỉnh Yên Bái, khoảng 8 giờ sáng 23-6 ở thôn Sua Lông có 5 người Mông (Thào A Trống, 60 tuổi và con trai Thào A Hù cùng 3 ông Thào A Giàng, Giàng A Lềnh và Giàng A Hù) đi xúc cá. Bất ngờ nước lũ ập tới, cả 5 người vội bám vào một cây gỗ nằm trên bãi đất giữa hai khe suối nhưng vì nước lũ quá to cuốn trôi cả thân cây cùng 5 người theo dòng nước.

Ông Giàng A Hù thoát chết do nước cuốn dạt vào ven suối nên đã bám được vào cây cối để leo lên bờ. Còn lại, 4 người đã bị thiệt mạng.

Theo Ban Chỉ huy PCLB-TKCN Hải Phòng, mưa to chiều 23-6 đã làm nhiều điểm ở Hải Phòng bị ngập cục bộ, giao thông tắc nghẽn. Một cơn lốc lớn đi qua khu vực xã An Lư (huyện Thủy Nguyên) gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản. Theo thông tin ban đầu, cơn lốc này đã khiến 859 ngôi nhà bị tốc mái, 16 nhà bị sập đổ và làm 2 người chết, trong đó có một phụ nữ đang có thai; 55 người bị thương, trong đó có 32 người bị thương nặng. 

Trước tình hình bão số 2 đổ bộ vào Bắc bộ, gây mưa lớn, có khả năng xảy ra lũ quét, sạt lở, ngày 23-6, Ban Chỉ huy PCLB các tỉnh Bắc Kạn, Thanh Hóa, Quảng Ninh, Nam Định... đã chỉ đạo các huyện, thị xã, các sở, ban, ngành, đoàn thể chủ động phòng tránh và hạn chế thấp nhất những thiệt hại do ảnh hưởng của bão gây ra. 

Theo báo cáo từ Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Thanh Hóa, đến 19 giờ tối 23-6, đã có 7.731 phương tiện với 23.381 lao động đã vào nơi trú ẩn an toàn. Tuy nhiên Thanh Hóa vẫn còn 737 tàu thuyền với 5.619 lao động đang còn hoạt động trên biển, số phương tiện này đã có thông tin liên lạc với gia đình và địa phương và đang trên đường vào nơi tránh trú ẩn.

Đến 21 giờ ngày 23-6, toàn bộ 1.600 tàu thuyền đánh bắt gần bờ của tỉnh Nam Định với 5.816 ngư dân đã quay về bờ an toàn; số tàu đánh bắt xa bờ cũng đã tìm được nơi trú tránh an toàn. Trong số này có 5 tàu với 30 ngư dân tại Quảng Bình, 2 tàu với 10 ngư dân tại Nghệ An, 3 tàu với 15 ngư dân tại Thanh Hóa, 8 tàu với 40 ngư dân tại Hải Phòng.

Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương cho biết, bão số 2 vẫn đang di chuyển rất nhanh. Chiều và tối qua, tâm bão đã ở vào khoảng 21,5 độ vĩ Bắc và 110,7 độ kinh Đông, ngay trên vùng bờ biển phía Đông Bắc bán đảo Lôi Châu (Trung Quốc) và chỉ còn cách Móng Cái (Quảng Ninh) khoảng 300km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8, giật cấp 9 - 10.

Ngày 24-6, bão sẽ đổi hướng sang Tây và Tây Tây Nam, mỗi giờ đi được khoảng 10 - 15km, đi qua bán đảo Lôi Châu nên sẽ ảnh hưởng trên diện rộng cho đồng bằng Bắc bộ. Trong đó, tâm điểm sẽ là các tỉnh Quảng Ninh - Hải Phòng, sau đó dịch chuyển dần xuống các tỉnh Ninh Bình, Thái Bình, Nam Định. Miền Bắc tiếp tục có mưa to đến rất to.

Trong khi đó, áp thấp nhiệt đới ngoài khơi xa đã mạnh lên thành cơn bão mới, có tên quốc tế là Meari. Hiện nay, bão Meari mạnh cấp 8 - 9, giật cấp 10 - 11. Trong vài ngày nữa, bão Meari có thể mạnh lên thành siêu bão. Có thể bão Meari ít khả năng vào biển Đông nhưng sẽ tương tác với bão số 2, gây nguy hiểm cho vùng biển vịnh Bắc bộ và biển Đông.

Ngày 23-6, Phòng NN-PTNT huyện Trần Văn Thời (Cà Mau) cho biết, hiện toàn huyện có trên 2.000ha lúa hè thu bị ngập úng do mưa kéo dài trong mấy ngày qua, làm thiệt hại khoảng 30% diện tích lúa hè thu đã gieo sạ trên địa bàn.

Sở NN-PTNT tỉnh Cà Mau đã chỉ đạo các địa phương mở cửa tất cả các cống thủy lợi ngăn mặn nhằm mục đích thoát nước trên đồng ruộng, đồng thời, củng cố những tuyến đê có nguy cơ bị vỡ trên địa bàn. Hiện nông dân đang tìm mọi cách bơm tát nước liên tục, bón phân nhằm trợ giúp cây lúa có thể phục hồi sau khi thoát nước. Đồng thời chuẩn bị mạ, giống để nhanh chóng khôi phục lại diện tích lúa bị thiệt hại.

Cùng ngày, Phòng NN-PTNT huyện Lắc (Đắc Lắc) cũng cho biết, trên địa bàn huyện hiện có 1.606ha lúa hè thu bị ngập. Nguyên nhân do từ ngày 18-6 đến nay, mưa to trên diện rộng làm nước sông Krông Ana dâng cao tràn vào đồng ruộng các xã Yang Tao, Bông Krang, Đắc Liêng, Đắc Nuê, Buôn Trí A, Buôn Triết và thị trấn Liên Sơn. Hầu hết diện tích lúa bị ngập đang trong giai đoạn làm đòng nên khả năng mất trắng là rất cao.

* Ngày 23-6, Bộ Y tế có công điện hỏa tốc gửi sở y tế các tỉnh, TP phía Bắc và Bắc Trung bộ, các tỉnh ven biển từ Quảng Ninh đến Kiên Giang và các đơn vị trực thuộc bộ, yêu cầu triển khai ngay công tác phòng chống cơn bão số 2.

Theo đó, các cơ sở y tế phải tổ chức trực cấp cứu 24/24, sẵn sàng thu dung và cấp cứu miễn phí cho nạn nhân bị ảnh hưởng bão lũ. Đồng thời triển khai ngay các phương án bảo vệ hoặc di dời cơ sở y tế để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho bệnh nhân, cán bộ y tế cũng như trang thiết bị y tế tại các vùng có nguy cơ xảy ra lũ lụt, sạt lở đất. Các đội cấp cứu cơ động sẵn sàng ứng cứu cho tuyến dưới khi có lệnh.

Nhóm PV

Tin cùng chuyên mục