Lũ rút chậm, khó khăn chồng chất

Nhiều nơi ở Quảng Bình lũ còn vây ngập, hàng ngàn người dân vẫn điêu đứng. Vùng trũng hai huyện Quảng Ninh, Lệ Thủy; vùng đồng bào Rục ở Minh Hóa đang đối mặt với khan hiếm chất đốt, lương thực, nước uống.
Lũ rút chậm, khó khăn chồng chất

Nhiều nơi ở Quảng Bình lũ còn vây ngập, hàng ngàn người dân vẫn điêu đứng. Vùng trũng hai huyện Quảng Ninh, Lệ Thủy; vùng đồng bào Rục ở Minh Hóa đang đối mặt với khan hiếm chất đốt, lương thực, nước uống.

Thôn Tân Thành (Tân Ninh, Quảng Ninh, Quảng Bình) nằm giữa ốc đảo lũ có 165 hộ dân với 1.000 nhân khẩu đang bị lũ vây ngày thứ 5. Ông Nguyễn Thận nói: “Bà con ở đây vắt kiệt sức trong lũ, lo trâu, bò, heo, gà. Tình hình nước lũ như thế này cũng phải mất thêm ba ngày nữa mới rút, nhiều nhà củi sắp hết, rơm thì ướt sũng”. Ông Nguyễn Văn Cường, làng Hữu Tân, rốn lũ sâu nhất huyện Quảng Ninh, nói: “Lũ năm nay to, gần cả tuần rồi nước rút chậm lắm. Chừ thiếu cả nước, lo cái lửa bị tắt, điện đóm không có, thiếu rau xanh nên người cứ thất thần cả”.

Hơn 800 đồng bào Rục ở ba bản Ón, Yên Hợp, Mò o ồ ồ (Thượng Hóa, Minh Hóa) đang bị lũ dâng vào Hung Trâu đường ngập hơn 2km, đi lại phải dùng thuyền và lội bộ. Ông Trần Xuân Tư, Trưởng bản Ón, nói: “Đây là trận lũ thứ 2, trận lũ đầu tiên do bão số 4 cũng bị vây mất 20 ngày. Chừ cả tuần bị lũ, phải mất chục ngày nữa mới có thể đi lại bình thường đoạn Hung Trâu. Bà con rất khó khăn”.

Thống kê của tỉnh Quảng Bình ngày 17-10, số người tử vong do trận lũ lịch sử gây ra trên địa bàn là 21 người, trong đó Bố Trạch: 5, Ba Đồn: 5, Quảng Ninh: 2, Lệ Thủy: 3, Đồng Hới: 2, Quảng Trạch: 1, Minh Hóa: 2, Tuyên Hóa: 1. Toàn tỉnh mất tích 1 người, bị thương 25 người.

Cùng ngày, UBND tỉnh Quảng Bình đã chỉ đạo giúp đỡ người dân dọn dẹp rác tấp vào đường sá; công an, quân đội giúp dân đắp lại đường để kịp thời đi lại, tìm kiếm vật liệu chằng néo nhà cửa. Quân khu 4 đã huy động hơn 600 cán bộ, chiến sĩ về các vùng rốn lũ phối hợp với hơn 6.000 quân nhân địa phương giúp người dân dọn bùn, thau rửa giếng nước, khắc phục các trọng điểm sạt lở liên thôn, liên xã để đi lại trước mắt.

Người dân xã Hưng Lợi (huyện Hưng Nguyên, Nghệ An) đưa heo lên đê Tả Lam để nhốt tránh lũ

Chiều 17-10, ghi nhận của phóng viên Báo SGGP, tại nhiều địa bàn thuộc huyện Hưng Nguyên, Nam Đàn, Thanh Chương… (Nghệ An) vẫn còn hàng trăm hộ dân bị ngập 0,5m - 1m. Cụ thể như các xã: Hưng Lợi, Hưng Nhân, Hưng Lam, Hưng Phú (huyện Hưng Nguyên); Khánh Sơn, Nam Kim (huyện Nam Đàn)… Dọc tuyến đê Tả Lam đoạn qua huyện Hưng Nguyên, nước từ ngoài sông ngấm qua thân đê vào phía trong khiến hàng chục hộ dân ở xã Hưng Lợi bị ngập nặng. Người dân phải đưa đồ đạc, gia súc, gia cầm lên nhốt trên đê… Mực nước sông Lam phía hạ nguồn ngày 17-10 vẫn trên mức báo động 1. Vào sáng 17-10, anh Nguyễn Văn Ngọc (42 tuổi, trú xã Hưng Thịnh, huyện Hưng Nguyên) đã bị đuối nước, tử vong.

Cùng ngày, người dân các huyện Phong Điền, Quảng Điền (tỉnh Thừa Thiên - Huế) ra quân thu dọn lớp bùn non để lại trên các trục đường giao thông và các khu dân cư khi lũ rút. Đồng thời, ngành y tế tổ chức phun hóa chất, xử lý môi trường tại các trường học để ngăn chặn dịch bệnh đau mắt đỏ và sốt xuất huyết phát sinh và lây lan. Ông Phan Thanh Hùng, Chánh Văn phòng Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên - Huế, cho biết, hiện 100% các tuyến đường có cây đổ và sạt lở tại địa phương đã khắc phục xong, đảm bảo giao thông đi lại bình thường. Để đối phó với bão số 7, đơn vị đã chỉ đạo Bộ đội Biên phòng kêu gọi được 1.922 tàu thuyền với 138.021 lao động vào bờ neo đậu, tránh trú bão an toàn. Cùng với đó đã lên phương án sơ tán, di dời 29.350 hộ với 112.309 nhân khẩu ở vùng trũng, sạt lở đến nơi an toàn.

Sau 3 ngày bị tê liệt vì lũ, vào lúc 15 giờ 30 ngày 17-10, điểm nghẽn cuối cùng trên tuyến đường sắt Bắc - Nam, đoạn từ ga Ngọc Lâm đến ga Minh Lệ (Quảng Bình) đã được thông và cho tàu chạy với vận tốc từ 5km/giờ, chính thức thông toàn tuyến. Đây là nỗ lực tham gia khắc phục hậu quả bão lũ của hơn 1.000 cán bộ công nhân viên đường sắt, cùng sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, Bộ GTVT và đặc biệt là sự hỗ trợ, phối hợp tích cực của UBND các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình. Hiện các đơn vị thi công đang tiếp tục hoàn thiện và khắc phục một số điểm để trả tốc độ lại bình thường.

NHÓM PV

Tin cùng chuyên mục