Lũ, xả lũ và trách nhiệm

Trong khi ĐBSCL nhiều năm nay “đói” lũ, phù sa không còn về nhiều, đất đai cỗi hóa, mùa màng thất bát, tôm cá thưa dần thì chỉ một đợt lũ vắt ngang đã nhấn chìm hàng ngàn nhà dân miền Trung, mà Quảng Bình, Hà Tĩnh là hai nơi chịu tổn thất nặng nề nhất. Không ai cầm được lòng khi nhìn thấy hình ảnh những ngôi làng chìm nghỉm trong nước, gia súc gia cầm ngụp lặn, người di tản không kịp phải leo lên nóc nhà để tránh lũ tạm thời… Đã có hàng chục người chết và mất tích, thiệt hại về tài sản chưa thể thống kê được, và những tấm lòng thơm thảo khắp mọi miền đất nước đã góp tay hỗ trợ người dân miền Trung vượt qua những ngày khó khăn nhất. Và rồi những bài học kinh nghiệm sẽ được rút ra, để hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai. Lần này, bên cạnh mưa lớn dồn dập, một trong những nguyên nhân được nhắc đến nhiều là vụ xả lũ thủy điện Hố Hô (Hà Tĩnh). Nước mưa với vũ lượng quá cao cộng với nước xả lũ đã dẫn đến những hình ảnh đầy trắc ẩn mà người dân phải gánh chịu trong những ngày này.

Nhưng liệu đó có phải là nguyên nhân chính dẫn đến thiệt hại lớn về người và của? Xả lũ hồ thủy điện là một trong những quy trình chặt chẽ nhất trong quá trình vận hành thủy điện. Với thủy điện Hố Hô, quy trình này đã được ban hành, có sự giám sát chặt của địa phương và các ban ngành liên quan.

Về mặt quy định, không thể nói là thiếu quy định, văn bản, thủ tục trong quá trình vận hành hồ đập thủy điện. Vấn đề còn lại là người đưa ra quyết định và sự phối hợp để thực hiện giữa đơn vị vận hành cùng các ban ngành, địa phương có chính xác, thông suốt hay không. Cần phải biết rằng khi lũ về quá nhanh thì hồ thủy điện là nơi phải hứng lượng nước nhiều nhất trong khu vực đó. Đến mức giới hạn, nếu không điều tiết hợp lý thì nguy cơ vỡ hồ rất cao và khi đó mức độ thiệt hại về người và của là không thể lường hết được. Do đó, việc xả lũ có thể xảy ra, nhưng xả bao nhiêu, xả lúc nào, xả bao lâu là một vấn đề mang tính khoa học chính xác. Thế nhưng lần nào cũng vậy, khi lũ xảy ra kèm theo xả lũ gây thiệt hại lớn thì địa phương đổ cho thủy điện xả lũ bất ngờ, thiếu kế hoạch, vô cảm với dân; trong khi phía thủy điện thì trưng ra phương án và cho rằng mình làm đúng quy trình, được cho phép.

Vậy nên trách nhiệm lớn hơn là ở khâu quy hoạch thủy điện. Chắc chắn rằng, trong dự án với đánh giá tác động môi trường, người ta đều biết đến những thiệt hại về môi trường khi phá rừng làm thủy điện, về nguy cơ nhà dân bị nhấn chìm khi xả lũ mùa mưa, về viễn cảnh hạ lưu khô hạn khi tích nước mùa khô… Vậy mà hàng loạt thủy điện vẫn được phê duyệt và xây dựng, không biết bao nhiêu cánh rừng bị đốn hạ và biết bao hộ dân phải chứng kiến ngay trước mắt những thiệt hại mà một nhà máy thủy điện được quy hoạch không hợp lý gây ra. Theo con số đo được, chỉ trong vòng 12 giờ ngày 14 và 15-10, lượng mưa trên địa bàn Quảng Bình đã trên 800mm, một con số được cho là lịch sử. Nhiều địa bàn của Quảng Bình ngập nặng, nhưng lãnh đạo và người dân nơi đây cũng thốt lên rằng may mắn là ở đây không có thủy điện, nếu có thì không biết điều gì sẽ xảy ra. Được biết, HĐND tỉnh Quảng Bình đã từng ra nghị quyết bác bỏ xây dựng 18 thủy điện bậc thang trên địa bàn, được xem là hành động “dũng cảm” để môi trường không bị ảnh hưởng nặng nề hơn. Nhu cầu điện năng để phát triển đất nước là có thật, nhưng chắc rằng không nhất thiết phải làm thủy điện quá nhiều mà thay vào đó là dành trí tuệ, công sức và tiền của để nghiên cứu, vận dụng và phát triển các nguồn năng lượng sạch mới là điều mà đất nước và nhân dân cần hơn.

Và rộng hơn, biến đổi khí hậu là diễn biến đã được dự báo trước, dự báo rất lâu. Ngay cả trong nghị quyết hay chiến lược phát triển kinh tế xã hội của từng địa phương đều đưa vấn đề biến đổi khí hậu là một trong những thách thức lớn, cần chủ động ứng phó và thậm chí là sống chung. Nói là vậy, nhưng nhìn lại có mấy nơi làm được cái việc đưa những cảnh báo mang tính chiến lược đó ra thực tế. Rừng tiếp tục bị tàn phá là nguyên nhân dễ thấy nhất khiến không giữ được nước, bao nhiêu nước cứ vậy mà tràn xuống hạ du gây lũ lớn. Rừng mất, ô nhiễm không khí càng tăng khiến khí hậu trở nên bất thường, mùa khô không có nước sản xuất, mùa mưa thì chìm ngập trong lũ; nước biển dâng, nước mặn xâm nhập càng sâu khiến đời sống nhiều vùng đảo lộn. Những điều ấy được dự báo hàng chục năm trước, nhưng đến thời điểm này có mấy công trình hay phương án nào để phát triển trong sự biến đổi ấy. Và vậy là, mỗi khi thiệt hại lớn xảy ra, người ta lại đổ cho thiên tai, cho biến đổi khí hậu mà quên trách nhiệm của mình “góp phần” dẫn đến hậu quả đó ra sao.

Trong lúc này, các địa phương tập trung mọi nguồn lực để khắc phục thiệt hại do lũ, đồng thời có biện pháp ứng phó các cơn bão mạnh trên biển Đông có khả năng vào bờ. Chính phủ đang chỉ đạo ráo riết để người dân sớm ổn định cuộc sống; người dân cả nước đang chung tay hỗ trợ. Nhưng để mưa lũ xảy ra, mà dự báo là ngày càng khốc liệt hơn không chỉ gây thiệt hại lớn về người và của, thì đòi hỏi trách nhiệm cao nhất của chính quyền địa phương, với tinh thần “dĩ công vi thượng” mà Bác Hồ đã dạy. Đừng để mọi việc đã trở thành hậu quả xấu thì đổ lỗi cho nhau, bởi chỉ một chuyện nhỏ là nếu cương quyết không để xuất hiện các nhà máy thủy điện bất hợp lý trên địa bàn thì sẽ không có chuyện thủy điện xả lũ góp phần gây ngập nặng nữa.

HOÀNG MAI

Tin cùng chuyên mục