Gần 3 đến 4 triệu đồng một chiếc smartphone thương hiệu đang là phân khúc được rất nhiều nhà sản xuất điện thoại di động tên tuổi “đánh mạnh” vào những ngày cuối năm 2013.
Hiện người tiêu dùng có nhiều lựa chọn: Nokia Lumia 520 từ 3,5 triệu đồng còn 2,9 triệu đồng; Samsung Galaxy Trend giá từ 3,62 triệu đồng còn 3,19 triệu đồng. Bất ngờ cho thị trường nhất ở phân khúc này còn là HTC, giảm giá chiếc HTC 8S từ 7,6 triệu đồng xuống còn 3,35 triệu đồng; trong nhóm này, dù mới tham gia thị trường nhưng Oppo cũng sẵn sàng cạnh tranh với Oppo Muse R821 giá từ 3,5 triệu đồng đã giảm còn 2,89 triệu đồng… Giá tốt chưa từng thấy, vì chỉ cách đây vài tháng với giá trên thì không thể mua được những dòng smartphone chất lượng như vậy. Các dòng máy Nokia Lumia 520; Samsung Galaxy Trend, Oppo Muse R821, HTC 8S vốn trước đây chỉ nằm dưới khung giá của các dòng máy cao cấp.
Giá giảm, người tiêu dùng được lợi và quan trọng hơn các dòng máy nói trên thuộc các dòng máy tốt, từng một thời làm mưa làm gió trên thị trường. Cuộc đua giảm giá smartphone ở phân khúc này xuất phát từ Nokia, khi hãng này bất ngờ hạ giá dòng Lumia 520 như đã nói trên. Điều này khiến Samsung không thể ngồi nhìn, họ ngay lập tức đưa ra mức giá cho chiếc smartphone cùng phân khúc là Galaxy Trend.
Vào tầm tháng 10, tháng 11-2013, HTC cho biết HTC 8S đã hết hàng tại Việt Nam, nhưng việc hãng này
vừa công bố giảm 50% dòng máy nói trên trong thời điểm đầu tháng 12 này như một đòn khá mạnh vào Nokia và SamSung vào phân khúc này vì xét vào thời điểm xuất hiện HTC 8S, dòng này đã đứng trên Nokia Lumia 520 hay Samsung Galaxy về giá lẫn mẫu mã…
Trong cuộc chơi giảm giá này, Oppo với dòng máy Muse R821 tỏ ra khá “cứng”, giá giảm nhưng tất cả các cửa hàng đều phải bán ở mức giá như công bố, tức là các điểm bán không được linh động giảm thêm như Nokia, Samsung. Đây xem như là chiến lược khẳng định hướng đi riêng, thể hiện tính thống nhất và… dù mới xuất hiện nhưng Oppo không nằm ngoài cuộc chơi với các hãng tên tuổi khác.
Qua đợt giảm giá này cũng thấy, hình thức kinh doanh của Oppo cũng khác các hãng khác. Oppo tính với đại lý là “sale out” tức đại lý mua nhiều hay ít đều chỉ một giá, không bán theo lô để có chiết khấu khác biệt. Tỷ lệ lợi nhuận luôn cam kết giữ cho dù tăng hay giảm giá. Do cách bán này nên việc bảo vệ giá tốt hơn và không gây thiệt hại cho đại lý. Trong khi đó các hãng khác sẽ bán theo lô, đại lý sẽ ôm hàng nhiều vào trước để nhận chiết khấu tốt, khi giảm giá thì lô hàng nếu chưa bán được sẽ bị thiệt hại do chênh lệch giá...
Được lợi nhất trong cuộc đua giảm giá này là người dùng và lần này khác biệt, người dùng mua được smartphone giá rẻ với sản phẩm tốt. Và với cuộc chiến giảm giá đang diễn ra, thị trường smartphone ở phân khúc chưa phải là giá rẻ cũng không hẳn là tầm trung, có thể là một phân khúc mới đang diễn ra sôi động cạnh tranh quyết liệt với nhau với bốn tên tuổi điển hình: Nokia, Samsung, HTC và Oppo.
Smartphone chất lượng nhưng giá mềm cũng dự báo thị trường sẽ sôi động hơn trong năm tới, tốc độ smartphone “hóa” trong người dùng cũng sẽ nhanh hơn.
BÁ TÂN