Luật Bảo hiểm phải vừa làm thị trường phát triển, vừa phải an dân ​

Chiều 28-9, Ủy ban Kinh tế Quốc hội họp phiên toàn thể thứ hai, thẩm tra dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi).

Về hợp đồng bảo hiểm, chuyên gia Đỗ Văn Sinh, nguyên Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế nhận định, cơ quan nhà nước vẫn cần kiểm soát hợp đồng mẫu, để đảm bảo quyền lợi cho bên mua bảo hiểm nhất là bảo hiểm nhân thọ.

Chuyên gia Đỗ Văn Sinh băn khoăn: “Hiện có hơn 10 triệu người tham gia loại bảo hiểm này, mà hợp đồng có khi dài đến hơn trăm trang thì không biết người mua có đủ thời gian đọc để hiểu hay không”.

Luật Bảo hiểm phải vừa làm thị trường phát triển, vừa phải an dân ​ ảnh 1 Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu tại phiên họp

Có quan điểm tương tự, ĐB Vũ Tiến Lộc đặt vấn đề, ai sẽ bảo vệ người mua bảo hiểm và đề nghị mỗi sản phẩm bảo hiểm nhân thọ trước khi được triển khai thì cần báo cáo Bộ Tài chính. ĐB Vũ Tiến Lộc cũng cho rằng dự thảo luật vẫn mang tính “khung” khi còn tới 21 vấn đề giao cho Chính phủ quy định và 21 vấn đề giao Bộ Tài chính hướng dẫn.

Theo ĐB Vũ Tiến Lộc, cần quy định chi tiết để dân đọc là hiểu được. Nên có quy định đưa giấy yêu cầu bảo hiểm, chứng nhận bảo hiểm, hướng dẫn khi xảy ra tổn thất thì thông báo như thế nào, hồ sơ cần gì, nếu không chi trả thì doanh nghiệp phải từ chối như thế nào... vào ngay trong luật.

Những quy định về bảo hiểm vi mô, một nội dung hoàn toàn mới, nhưng chỉ được gói gọn trong vỏn vẹn tại 2 điều cũng nhận được những ý kiến đóng góp thẳng thắn. Từng là Phó Tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam, ông Đỗ Văn Sinh cho biết, bảo hiểm vi mô hiện nay chỉ có Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đang thực hiện với quy mô rất nhỏ, nhưng chi phí lại lớn.

Phát biểu tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nêu rõ yêu cầu: “Sửa luật phải để các doanh nghiệp bảo hiểm phát triển nhưng cũng phải để dân hiểu, tự nguyện tham gia. Thị trường phát triển nhưng phải an dân; muốn vậy phải phòng ngừa rủi ro từ xa, hạn chế đổ vỡ”.  

Tin cùng chuyên mục