Luật Đất đai sửa đổi - Cần lắng nghe ý kiến người dân

“Trong thời gian qua, Luật Đất đai được người dân quan tâm rất lớn, số lượng ý kiến tự giác đóng góp khá nhiều. điều đáng mừng là một số vấn đề quan trọng thể hiện sự tiến bộ cũng đã được cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm định nhất trí tiếp thu. Tuy nhiên, nhiều vấn đề có số lượng lớn ý kiến nhưng lại không được tiếp thu” - đó là nhận định của GS-TS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường, liên quan đến việc tiếp thu ý kiến của người dân đối với Luật Đất đai sửa đổi.
Luật Đất đai sửa đổi - Cần lắng nghe ý kiến người dân

“Trong thời gian qua, Luật Đất đai được người dân quan tâm rất lớn, số lượng ý kiến tự giác đóng góp khá nhiều. điều đáng mừng là một số vấn đề quan trọng thể hiện sự tiến bộ cũng đã được cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm định nhất trí tiếp thu. Tuy nhiên, nhiều vấn đề có số lượng lớn ý kiến nhưng lại không được tiếp thu” - đó là nhận định của GS-TS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường, liên quan đến việc tiếp thu ý kiến của người dân đối với Luật Đất đai sửa đổi.

        Chưa tiếp thu ý kiến

Bộ Tài nguyên và Môi trường đã nhận được tổng số 6.958.848 lượt ý kiến góp ý của các tổ chức và cá nhân. Là người được tham gia vào quá trình xem xét việc tiếp thu ý kiến của người dân trong đợt lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Luật Đất đai sửa đổi, GS-TS Đặng Hùng Võ cho biết, trong số 87 vấn đề được lấy ý kiến, có 30 vấn đề đã được tiếp thu và được cập nhật vào dự thảo mới nhất. Trong đó, nhiều vấn đề quan trọng thể hiện sự tiến bộ đã được cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm định nhất trí tiếp thu như: cơ chế nhà nước thu hồi đất được giới hạn lại đối với các dự án phát triển kinh tế - xã hội chỉ trong phạm vi vì lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng và sẽ được quy định chi tiết đối với từng loại dự án. Bảng giá đất chỉ được áp dụng đối với việc tính thuế, phí, xử lý vi phạm hành chính, tính bồi thường cho Nhà nước khi làm thất thoát quỹ đất, không áp dụng để tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước…

GS-TS Đặng Hùng Võ cũng nhìn nhận rằng, còn một số vấn đề chưa có cơ hội được xem xét lúc này, chủ yếu là việc pháp luật thừa nhận sở hữu tư nhân về đất đai. Lúc này, pháp luật được xây dựng theo hướng xác lập chế độ sở hữu đất đai như hình thức và đưa ra những quy định chi tiết về quyền đối với đất đai của Nhà nước, cộng đồng và người sử dụng đất.

Một buổi tham vấn ý kiến của người dân về tái định cư tại quận Bình Thạnh, TPHCM. Ảnh: HUY ANH

Một buổi tham vấn ý kiến của người dân về tái định cư tại quận Bình Thạnh, TPHCM. Ảnh: HUY ANH

“Sự tiếp thu trên là những tín hiệu vui cho thấy ý kiến của người dân đã có những tác động đáng kể trong việc điều chỉnh chính sách, pháp luật đất đai. Tuy nhiên, cũng còn nhiều vấn đề trong dự thảo chưa được tiếp thu một cách thỏa đáng” - TS Đặng Hùng Võ nhận định. Cụ thể, việc đề nghị bỏ quy định Nhà nước thu hồi đất, chuyển thành cơ chế trưng mua có đến gần 800.000 ý kiến đồng tình nhưng lại không được Bộ Tài nguyên - Môi trường tiếp thu; có 14.359 ý kiến cho rằng cần có cơ chế công dân thực hiện quyền giám sát nhưng cũng chưa được tiếp thu…

Ông cũng nêu băn khoăn về cơ chế cơ quan cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hiện nay là cơ quan thu hồi giấy chứng nhận này. Trong khi lấy ý kiến sửa đổi luật, rất nhiều ý kiến đóng góp về vấn đề này, tuy nhiên dự thảo Luật Đất đai sửa đổi vẫn chưa đề cập đến. Chính cơ chế này tạo ra rủi ro cho người được cấp giấy chứng nhận rất lớn, đồng thời cũng tạo ra khe hở để cơ quan này gây khó dễ cho người dân cũng như tạo tiền lệ cứ cấp sai rồi thu hồi sẽ gây bất ổn trong xã hội. Thực tế cho thấy thời gian qua các địa phương đã cấp sai giấy chứng nhận rất phổ biến và những câu chuyện oan trái xung quanh việc thu hồi giấy chứng nhận cũng rất nhiều.

        Cần sự đồng thuận của cộng đồng

Trong khuôn khổ hội thảo tập huấn Quản lý và sử dụng đất đai dành cho báo chí do Tổ chức Oxfam và Viện Tư vấn phát triển (CODE) tổ chức tại tỉnh Hòa Bình vừa qua, liên quan đến chuyên đề về góp ý dự thảo Luật Đất đai, các chuyên gia trong ngành cũng cho rằng, còn rất nhiều vấn đề vẫn chưa được quan tâm và đặt ra những quy định cụ thể trong dự thảo Luật Đất đai một cách thỏa đáng. Cụ thể như việc tham vấn cộng đồng và sự đồng thuận của cộng đồng trong quyết định về đất đai và quản lý đất đai.

Bà Nguyễn Thu Hương, điều phối viên cấp cao Chương trình quản trị nhà nước của Tổ chức phi chính phủ quốc tế Oxfam cho biết, vừa qua, Viện Nghiên cứu lập pháp của Quốc hội đã phối hợp với Tổ chức Oxfam thực hiện cuộc tham vấn cộng đồng để góp ý cho dự thảo Luật Đất đai sửa đổi, với gần 1.500 người bao gồm nông dân nghèo và đại diện các nhóm yếu thế khác như người dân tộc thiểu số, phụ nữ... tại 22 xã thuộc 11 huyện của 4 tỉnh Hòa Bình, Yên Bái, Quảng Bình và Long An. Kết quả cho thấy, hầu hết các ý kiến đều cho rằng người dân không được biết về các quá trình lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và các phương án quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt và việc thu hồi đất liên quan tới thực hiện các dự án.

Điều đó khiến người dân hoang mang không yên tâm sản xuất, thậm chí có những người dân phản ứng gay gắt với chính quyền địa phương. Thực tế cho thấy, ở xã Quy Hậu, huyện Tân Lạc (tỉnh Hòa Bình), người dân đang rơi vào tình trạng này khi chính quyền cho thực hiện dự án hồ Trọng mà dân xã này đã không được thông báo về việc xây dựng và thu hồi, bồi thường đất như thế nào nên khi thấy cán bộ địa chính xã và các nhà thầu tiến hành đo đạc, người dân rất hoang mang và họ đã ngăn cản không cho triển khai dự án trên phần đất của họ.

Từ những bất cập này, GS-TS Đặng Hùng Võ cho rằng khi tiến hành xây dựng quy hoạch sử dụng đất ở địa phương phải lấy ý kiến của cộng đồng nơi đó, bởi không có quy hoạch nào là không ảnh hưởng đến người dân. Nếu quy hoạch không nhận được sự đồng thuận của cộng đồng sẽ tạo ra sự rủi ro vì họ sẽ tìm cách chống lại, có khi tạo ra những bất ổn rất lớn trong xã hội.

Về tỷ lệ đồng thuận của người dân bao nhiêu là hợp lý, có ý kiến cho rằng, đối với những vấn đề quan trọng ảnh hưởng đến quyền lợi của rất nhiều người thì tỷ lệ đồng thuận có thể phải lên đến khoảng 80%, về thu hồi đất có thể nâng lên 90%, còn những vấn đề ít quan trọng hơn có thể đưa tỷ lệ đồng thuận xuống mức thấp hơn, khoảng 2/3.

Theo khuyến nghị của Tổ chức Oxfam, quy hoạch cấp huyện cần được lấy ý kiến cộng đồng gồm những người bị ảnh hưởng trực tiếp bởi quy hoạch bằng hình thức tham vấn trực tiếp, tỷ lệ đồng thuận để thông qua là 80% người dân được lấy ý kiến. Còn quy hoạch cấp tỉnh trở lên thì lấy ý kiến bằng hình thức tiếp nhận thông tin.

HẠNH NHUNG

Tin cùng chuyên mục