Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp sửa đổi: Cần tạo thuận lợi cho nhà đầu tư

(SGGP). – Ngày 11-3, tại TPHCM, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Bộ Kế hoạch - Đầu tư tổ chức hội thảo lấy ý kiến doanh nghiệp (DN) nhằm hoàn thiện dự thảo Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư sửa đổi. Theo đó, đối với Luật Đầu tư sửa đổi, các đại biểu cho rằng, cơ quan soạn thảo cần xem xét điều chỉnh một số quy định về giới hạn tỷ lệ sở hữu nước ngoài, thủ tục cấp phép, chính sách ưu đãi đầu tư...

Một trong những vấn đề ảnh hưởng trực tiếp đến nhà đầu tư (NĐT) được nhiều đại biểu tập trung thảo luận là thủ tục cấp giấy chứng nhận đầu tư và chính sách ưu đãi đầu tư. Luật sư Nguyễn Thanh Hiền, Giám đốc Công ty cổ phần Quản lý và đầu tư Tín Thác Á Châu, phân tích, theo quy định của dự thảo, NĐT phải thực hiện thủ tục điều chỉnh dự án trong trường hợp có sự thay đổi nội dung quy định tại giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (GCNĐKĐT) liên quan đến NĐT thực hiện dự án, địa điểm đầu tư, mục tiêu, quy mô, vốn đầu tư, tiến độ đầu tư, thời hạn đầu tư. Với quy định tại GCNĐKĐT liên quan đến NĐT thì không bắt buộc phải thực hiện thủ tục điều chỉnh dự án đầu tư mà chỉ cần gửi văn bản thông báo cho cơ quan cấp GCNĐKĐT vì nội dung này đã được thực hiện theo thủ tục đăng ký kinh doanh. Ngoài ra, Luật Đầu tư cần có quy định cụ thể về giá trị hiệu lực của việc điều chỉnh GCNĐKĐT. Về chính sách ưu đãi đầu tư, luật sư Nguyễn Lan Phương, Công ty Luật Baker & McKenzie, cho rằng, quy định về các lĩnh vực ưu đãi đầu tư và đầu tư có điều kiện còn quy định chung chung và mâu thuẫn. Do đó, cần nghiên cứu lại xem các lĩnh vực này có cần phải hạn chế hay không và điều chỉnh cho phù hợp với nhu cầu của đất nước. Ngoài ra, Luật Đầu tư trở lại cách tiếp cận cũ về vấn đề áp dụng ưu đãi đầu tư, gắn với việc cấp GCNĐKĐT. DN không cần phải thực hiện thủ tục gì thêm để có thể được hưởng những ưu đãi đầu tư. Luật Thuế, Luật Đất đai đã quy định rất rõ những trường hợp DN được ưu đãi và chỉ cần thực hiện trên cơ sở những luật chuyên ngành đó.

Đối với dự thảo Luật Doanh nghiệp, các đại biểu kiến nghị cần có cơ chế hậu kiểm đối với các DN trong hoạt động kinh doanh, đơn giản hóa thủ tục hành chính về đăng ký kinh doanh và giải thể DN; cần có sự thống nhất về thời gian cấp giấy chứng nhận đầu tư giữa DN trong nước và nước ngoài; nhà nước cần có cơ chế kiểm soát vốn chủ sở hữu, cũng như xác định vốn sở hữu của mỗi cổ đông trong việc thành lập DN để tránh sự tranh chấp giữa các cổ đông; có biện pháp chế tài nghiêm đối với hành vi gian dối góp vốn…

Phát biểu tại hội thảo, ông Đặng Huy Đông, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư, Phó Trưởng ban soạn thảo Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp sửa đổi, cho biết: Việc sửa 2 dự thảo luật nhằm tạo môi trường pháp lý thuận lợi, thông thoáng, minh bạch để DN yên tâm đầu tư. Đồng thời, khắc phục sự chồng chéo giữa các luật đang tồn tại hiện nay; tăng cường quản lý nhà nước hiệu quả hơn nhưng không gây cản trở cho DN.

ĐÌNH LÝ

Tin cùng chuyên mục