Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt phải chống đầu cơ đất

Chiều 10-4, Đoàn ĐBQH TPHCM tổ chức hội thảo góp ý cho dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt.
Đoàn ĐBQH TPHCM tổ chức hội thảo góp ý cho dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt
Đoàn ĐBQH TPHCM tổ chức hội thảo góp ý cho dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt
 Dự thảo luật này gồm 6 chương, 88 điều và 6 phụ lục với các nội dung chủ yếu như: về quy hoạch đặc khu; cơ chế, chính sách đặc biệt về đầu tư kinh doanh; thủ tục đầu tư kinh doanh; khu thương mại tự do; một số cơ chế, chính sách đặc biệt liên quan tới đất đai; ngân sách và ưu đãi đầu tư; cơ chế, chính sách đặc biệt về lao động, tiền lương; tổ chức, hoạt động của chính quyền địa phương…
Phó trưởng Đoàn ĐBQH TPHCM Phan Nguyễn Như Khuê cho biết việc xây dựng dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt nhằm cụ thể hóa quy định của Hiến pháp 2013 về đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt. Quy định này sẽ áp dụng đối với Vân Đồn (Quảng Ninh), Bắc Vân Phong (Khánh Hòa) và Phú Quốc (Kiên Giang). Qua đó, hình thành khu vực tăng trưởng cao với phương thức quản lý mới và ổn định trong thời gian dài.

Tại hội thảo, đa số đại biểu nhất trí với sự cần thiết ban hành dự án luật này. Đây sẽ là điều kiện để tạo lập mô hình phát triển mới có tính đột phá cho các đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt. Tuy nhiên, các đại biểu đề nghị làm rõ một số vấn đề. Theo đó, TS Trần Du Lịch, thành viên Tổ tư vấn của Thủ tướng Chính phủ, cho rằng dự án luật cần linh động, không nên chỉ áp dụng đối với 3 đơn vị hành chính, kinh tế Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc. Vì việc “đóng khung” như vậy sẽ mang tính cá biệt.
TS Trần Du Lịch đề nghị cần quy định chung mang tính phổ biến cho các đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt (có thể thành lập sau này) để Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt. Khi thông qua luật này, việc thành lập từng đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt cũng phải có nghị quyết của Quốc hội cho từng đơn vị với những nội dung cụ thể, phù hợp, mang tính đặc thù. Cùng đó, Quốc hội sẽ quyết định một số chính sách khác cho từng đặc khu theo nghị quyết của Quốc hội, có giá trị ngang luật.

TS Trần Du Lịch cũng phân tích, hiện nay 18 khu kinh tế ven biển, nhất là ở miền Trung, sự tác động của chính sách miễn giảm thuế đất là chỉ tạo điều kiện cho người ta chiếm đất để đó và không làm dự án gì cả. Tình trạng người cần đất để làm dự án thì không có còn giới đầu cơ giữ đất để chờ cơ hội thì khá nhiều. “Điều này chỉ làm lợi cho những người đã chiếm đất”- TS Trần Du Lịch khẳng định và bày tỏ không đồng tình với chính sách giá đất ưu đãi theo dự án luật.
Cụ thể hơn, TS Trần Du Lịch cho rằng đầu cơ đất ở Phú Quốc làm cho không thể hoạt động được gì hết. Nếu không chống đầu cơ đất mà miễn giảm giảm thuế đất thì cũng không có ý nghĩa vì Nhà nước còn đất đâu mà miễn giảm. Trong khi đó, đất ở Phú Quốc đã bị đầu cơ nên việc miễn giảm thuế đất chỉ làm lợi cho những người đầu cơ.

Ngoài ra, TS Trần Du Lịch đề xuất bỏ quy định thời hạn sử dụng đất lên đến 99 năm. Bởi vì các dự án đầu tư không có dòng đời nào lên đến 99 năm và thực tế, dự án của Formosa (Hà Tĩnh) 70 năm mà đã gây ồn ào rồi. Đồng tình với ý kiến này, nguyên Chủ tịch HĐND TPHCM Phạm Phương Thảo đề xuất thời hạn sử dụng đất để sản xuất, kinh doanh tại đặc khu là 50 năm.
Trong trường hợp đặc biệt mới cho phép 70 năm và nhất thiết không thể 99 năm như dự án luật nêu ra. Liên quan đến tổ chức chính quyền địa phương ở đặc khu, nguyên Chủ tịch HĐND TPHCM Phạm Phương Thảo đề nghị nên có quy định bổ nhiệm trưởng đặc khu, thay vì bầu thông qua HĐND. Quy định như thế sẽ giúp cho người đứng đầu có quyền hạn nhiều hơn. 

Tin cùng chuyên mục