Luật Giao dịch điện tử sẽ “phủ kín” tất cả hoạt động của đời sống xã hội ​

Điểm mới quan trọng của dự thảo sửa đổi là áp dụng cả đối với việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; quyền sở hữu nhà và các bất động sản khác, văn bản về thừa kế, giấy đăng ký kết hôn, quyết định ly hôn, giấy khai sinh, giấy khai tử; hối phiếu và các giấy tờ có giá khác. 

Sáng 19-9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) khai mạc phiên họp chuyên đề pháp luật. Sau phát biểu khai mạc của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, UBTVQH đã nghe Bộ trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông (TT-TT) Nguyễn Mạnh Hùng trình bày tờ trình về dự án Luật Giao dịch điện tử sửa đổi.

Khẳng định sự cần thiết xây dựng và ban hành Luật Giao dịch điện tử sửa đổi, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, dự thảo sửa đổi lần này một mặt kế thừa các quy định hiện còn giá trị tại Luật Giao dịch điện tử năm 2005; mặt khác, đã hoàn thiện các chính sách bảo đảm các giao dịch điện tử an toàn, tin cậy, có giá trị pháp lý; thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa giao dịch điện tử của các cơ quan nhà nước và các tổ chức, cá nhân.

Đáng lưu ý, Luật Giao dịch điện tử quy định về những thành tố cơ bản có giá trị pháp lý sử dụng đế thực hiện giao dịch bằng phương tiện điện tử, không quy định lại nội dung đã được pháp luật khác quy định.

Luật Giao dịch điện tử sẽ “phủ kín” tất cả hoạt động của đời sống xã hội ​ ảnh 1 Quang cảnh phiên họp

“Luật Giao dịch điện tử không làm thay đổi về trách nhiệm quản lý của các bộ, ngành trong các lĩnh vực. Các bộ, ngành thực hiện quản lý nhà nước về nội dung giao dịch trong các lình vực trên môi trường thực ra sao thì lên môi trường điện tử vẫn sẽ chịu trách nhiệm quản lý đúng theo lĩnh vực đó”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nêu rõ.

Liên quan đến những nội dung cụ thể, một điểm mới quan trọng của dự thảo sửa đổi là mở rộng phạm vi điều chỉnh, áp dụng cả đối với việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; quyền sở hữu nhà và các bất động sản khác, văn bản về thừa kế, giấy đăng ký kết hôn, quyết định ly hôn, giấy khai sinh, giấy khai tử; hối phiếu và các giấy tờ có giá khác. Nói cách khác, phạm vi áp dụng giao dịch điện tử đã “phủ kín” tất cả hoạt động của đời sống xã hội.

Việc mở rộng này dựa trên cơ sở hiện nay công nghệ số đã sẵn sàng, phổ biến, an toàn, tin cậy, đáp ứng được yêu cầu đặt ra và bổ sung quy định pháp lý về dịch vụ tin cậy trong luật.

Luật Giao dịch điện tử sẽ “phủ kín” tất cả hoạt động của đời sống xã hội ​ ảnh 2 Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng trình bày tờ trình về dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi)

Một nội dung khác là dịch vụ tin cậy trong giao dịch điện tử. Chương 3 dự thảo tập trung vào giá trị pháp lý của chữ ký điện tử và dịch vụ tin cậy trong giao dịch điện tử. Dự thảo cơ bản không thay đổi về nguyên tắc so với Luật Giao dịch điện tử năm 2005, nhưng đã chi tiết hóa việc sử dụng, công nhận chữ ký điện tử nước ngoài.

Về dịch vụ tin cậy, trong khi Luật Giao dịch điện tử năm 2005 chỉ quy định dịch vụ chứng thực chữ ký điện tử, trong khi dự thảo sửa đổi đã quy định về “dịch vụ tin cậy”. Liên quan an toàn thông tin và an ninh mạng trong giao dịch điện tử, dự thảo dẫn chiếu, yêu cầu tuân thủ các quy định của pháp luật về an toàn thông tin mạng và an ninh mạng và bổ sung quy định về an toàn thông điệp dữ liệu.

Qua thẩm tra, Thường trực Ủy ban Khoa học - Công nghệ - Môi trường (KH-CN-MT) tán thành với sự cần thiết sửa đổi Luật Giao dịch điện tử, song cho rằng tờ trình dự án luật chưa phân tích đầy đủ, chưa làm rõ những nội dung của luật hiện hành còn phù hợp, cần kế thừa; những vấn đề còn có ý kiến khác nhau. Đặc biệt, dự thảo luật có mối quan hệ với rất nhiều pháp luật khác có liên quan. Do đó, cần hết sức chú trọng đến tính đồng bộ, thống nhất.

“Các nội dung có liên quan đến an ninh, an toàn mạng và thông tin mạng cần quy định đầy đủ, chặt chẽ nhưng bảo đảm nguyên tắc không làm phát sinh thêm các thủ tục hành chính, gây khó khăn, cản trở các Giao dịch điện tử”, Chủ nhiệm Ủy ban KH-CN-MT Lê Quang Huy nhấn mạnh.

Về phạm vi điều chỉnh của dự thảo luật, Thường trực Ủy ban KH-CN-MT tán thành với việc mở rộng trong bối cảnh công nghệ số đã và đang phát triển mạnh mẽ, ứng dụng ngày càng rộng rãi. Pháp luật của một số quốc gia trên thế giới cũng đã mở rộng phạm vi điều chỉnh Giao dịch điện tử đối với nhiều lĩnh vực. Tuy nhiên, cần tiếp tục cân nhắc kỹ lưỡng, thấu đáo về mức độ mở rộng phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật và lộ trình thực hiện để bảo đảm tính khả thi.

Tin cùng chuyên mục