Luật hóa các tiêu chí phân loại dự án trọng điểm quốc gia

Chiều 21-2, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) nghe và cho ý kiến về dự án Luật Đầu tư công.

(SGGPO).- Chiều 21-2, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) nghe và cho ý kiến về dự án Luật Đầu tư công.

Báo cáo với UBTVQH, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu cho biết, đa số ý kiến trong ủy ban nhất trí với quy định về phạm vi điều chỉnh như dự thảo luật. Theo đó, Luật Đầu tư công điều chỉnh về quản lý, sử dụng vốn đầu tư công; riêng hoạt động đầu tư vốn nhà nước tại các doanh nghiệp sẽ được điều chỉnh tại dự án Luật Quản lý và sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh (dự kiến sẽ trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 7 và xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 8).

Tuy nhiên, cũng có ý kiến đề nghị dự án luật phải điều chỉnh toàn bộ các hoạt động đầu tư có sử dụng vốn nhà nước, bao gồm cả hoạt động đầu tư của doanh nghiệp nhà nước. Loại ý kiến này còn đề nghị bổ sung vào dự án luật các quy định cụ thể nhằm tạo cơ sở pháp lý thống nhất quản lý nhà nước về toàn bộ quá trình đầu tư công, từ khâu phê duyệt chủ trương đến khâu giám sát, thanh tra, kiểm tra.

"Liên quan đến thẩm quyền của Quốc hội đối với việc phê duyệt chiến lược đầu tư công dài hạn trong từng giai đoạn, quyết định chủ trương đầu tư các chương trình, dự án đầu tư quan trọng quốc gia và nhóm A, so với quy định hiện hành về quản lý chương trình, dự án đầu tư công, dự án luật đã có những quy định mới, chặt chẽ hơn về phân cấp thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư"- ông Nguyễn Văn Giàu cho biết.

“Tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, dự thảo luật đã bổ sung quy định về việc Quốc hội phê duyệt danh mục chương trình, dự án quan trọng quốc gia và danh mục dự án nhóm A trong Kế hoạch đầu tư trung hạn như quy định tại điểm c, Khoản 1 Điều 49 về trình và giao kế hoạch đầu tư trung hạn nguồn vốn ngân sách nhà nước, công trái quốc gia, trái phiếu Chính phủ của cả nước”, người đứng đầu Ủy ban Kinh tế nhận định.

Về vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - ngân sách Phùng Quốc Hiển băn khoăn: “Thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư là rất quan trọng. Mà như ở đây thì không thấy rõ vai trò, vị trí của Chính phủ? Tôi cho rằng nên áp dụng nguyên tắc cấp nào quyết định nguồn lực thực hiện dự án thì quyết luôn chủ trương đầu tư. Ví dụ dự án đầu tư bằng nguồn trái phiếu Chính phủ thì lẽ ra phải do Quốc hội quyết định”. 

Tuy nhiên, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước lại cho rằng, Quốc hội cũng không nên “dài tay” quá, dẫn đến làm thay việc của Chính phủ.

“Quan điểm của tôi là Quốc hội quyết định cách thức tiến hành và giám sát thôi, còn điều hành thì để Chính phủ. Tới đây, phải luật hóa Nghị quyết 49 của Quốc hội về vấn đề này để xác định rõ trách nhiệm của từng cơ quan, nhất là khi dự án đầu tư công không hiệu quả”- ông Ksor Phước nói.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý cũng thống nhất quan điểm này.

Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Đức Hiền đưa ra giải pháp dung hòa: “Nên quy định Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư dự án nhóm A sau khi xin ý kiến Quốc hội hoặc lấy ý kiến UBTVQH”.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhận định: “Việc phân định thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư là rất quan trọng; do đó luật này phải cụ thể hóa các tiêu chí phân loại dự án (nhóm A, B, C). Cơ quan dân cử chỉ quyết định chủ trương, không quyết định đầu tư. Cá nhân quyết định dự án là người điều hành và chịu trách nhiệm cụ thể”.

Đáng lưu ý, nhiều ý kiến trong UBTVQH yêu cầu nêu rõ trong luật nguyên tắc công khai, minh bạch và những nội dung nào cần công khai, minh bạch về đầu tư công, đồng thời nêu rõ cơ chế, cách thức thực hiện việc giám sát của cộng đồng đối với đầu tư công.  

ANH PHƯƠNG

Tin cùng chuyên mục