Chính phủ ban hành Danh mục ngành, nghề tiếp cận thị trường có điều kiện đối với đầu tư nước ngoài

Trong phiên họp của UBTVQH  sáng nay 16-10, Chính phủ đã ban hành Danh mục ngành, nghề tiếp cận thị trường có điều kiện đối với đầu tư nước ngoài.

Dự thảo Luật này đã bổ sung quy định về Danh mục ngành, nghề tiếp cận thị trường có điều kiện đối với nhà đầu tư nước ngoài theo cách tiếp cận chọn bỏ. Danh mục này bao gồm: ngành, nghề nhà đầu tư nước ngoài chưa được tiếp cận thị trường; và ngành, nghề nhà đầu tư nước ngoài được tiếp cận thị trường có điều kiện.

Chính phủ ban hành Danh mục ngành, nghề tiếp cận thị trường có điều kiện đối với đầu tư nước ngoài ảnh 1 Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, dự án Luật Đầu tư (sửa đổi) dự kiến có hiệu lực từ ngày 1-1-2021
Cuối phiên họp buổi sáng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, dự án Luật Đầu tư (sửa đổi) dự kiến có hiệu lực từ ngày 1-1-2021, sửa đổi 36 điều, bổ sung 4 điều, bãi bỏ 2 điều của Luật Đầu tư năm 2014.
Trong đó, liên quan đến nhóm các quy định về ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh và đầu tư kinh doanh có điều kiện, dự thảo Luật này đã sửa đổi Khoản 3 Điều 7 của Luật Đầu tư theo hướng tiếp tục khẳng định nguyên tắc: Bộ, Cơ quan ngang Bộ, HĐND và UBND các cấp không được ban hành các quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh, nhưng áp dụng cơ chế linh hoạt, phù hợp với Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật về thẩm quyền quy định thủ tục hành chính. Theo đó, các cơ quan này có thể ban hành văn bản quy định về thủ tục hành chính để thực hiện điều kiện đầu tư kinh doanh trong trường hợp được giao trong luật.
Đáng lưu ý, dự thảo bãi bỏ 12 ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, đồng thời sửa đổi 19 ngành, nghề và bổ sung 6 ngành, nghề để phù hợp với yêu cầu, thực tiễn quản lý nhà nước đối với các ngành, nghề này và bảo đảm tính thống nhất với các luật có liên quan; trong đó bổ sung ngành “kinh doanh dịch vụ đòi nợ” vào Danh mục ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh theo quy định tại Điều 6 của Luật Đầu tư.
Dự thảo cũng tiếp tục cấm đầu tư kinh doanh các chất ma túy và tiền chất; các hóa chất, khoáng vật và động, thực vật hoang dã bị cấm theo các công ước quốc tế, nhưng bãi bỏ các Phụ lục 1, 2 và 3 của Luật Đầu tư và giao Chính phủ quy định chi tiết để phù hợp với thực tiễn thay đổi nhanh chóng của các sản phẩm này cũng như yêu cầu quản lý nhà nước.
Liên quan đến các ngành, nghề đầu tư có điều kiện đối với nhà đầu tư nước ngoài, dự thảo Luật này đã bổ sung quy định về Danh mục ngành, nghề tiếp cận thị trường có điều kiện đối với nhà đầu tư nước ngoài theo cách tiếp cận chọn bỏ. Danh mục này bao gồm: ngành, nghề nhà đầu tư nước ngoài chưa được tiếp cận thị trường; và ngành, nghề nhà đầu tư nước ngoài được tiếp cận thị trường có điều kiện.
Ngoài 2 Danh mục này, nhà đầu tư nước ngoài được áp dụng điều kiện tiếp cận thị trường như quy định đối với nhà đầu tư trong nước. Căn cứ điều kiện phát triển kinh tế, xã hội trong từng thời kỳ và các luật, pháp lệnh, Điều ước quốc tế về đầu tư, Chính phủ công bố Danh mục ngành, nghề tiếp cận thị trường có điều kiện của nhà đầu tư nước ngoài.
Việc bổ sung quy định này nhằm nâng cao tính minh bạch, khả thi trong việc áp dụng cam kết về mở cửa thị trường của Việt Nam phù hợp với các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới và các điều ước quốc tế về đầu tư, đồng thời khắc phục tình trạng thiếu thống nhất trong việc áp dụng các cam kết của Việt Nam tại các hiệp định có cách tiếp cận khác nhau về mở cửa thị trường (chọn cho và/hoặc chọn bỏ).
Góp ý về dự thảo Luật, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân lưu ý việc đảm bảo nguyên tắc những quy định hạn chế tự do kinh doanh phải được quy định vào Luật mà không nên giao cho Chính phủ quy định.
“Đừng mở rộng việc cấm thêm những ngành nghề vốn đã tồn tại, nhất là các hoạt động thiện nguyện mà nhân dân đang làm, bây giờ lại cho vào danh mục kinh doanh có điều kiện là không hợp lý” - Chủ tịch Quốc hội nói.
Cũng theo Chủ tịch Quốc hội, một số ngành nghề, ví dụ như dịch vụ cai nghiện thuốc lá, cần được khuyến khích phát triển thay vì hạn chế.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga thì nhận xét: “Nhiều nội dung tổng kết rất sơ sài. Đề nghị kiểm tra lại cẩn thận báo cáo đánh giá tác động của luật này và Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) trước khi quyết định sửa đổi”. Một nhược điểm khác, theo bà Nga, là sự chồng chéo, mâu thuẫn giữa các luật.  

“Kinh doanh dịch vụ đòi nợ, theo Tờ trình là có phát sinh phức tạp, tôi biết có nhiều địa phương muốn cấm. Tôi chưa nói nên cấm hay không, nhưng trước hết phải xem lại, đánh giá kỹ các vụ việc phức tạp ở các địa phương”, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp nói.

Đồng quan điểm, Phó Chủ tịch Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh, việc sửa đổi Luật Đầu tư không được làm xáo trộn, gây khó khăn cho các dự án đang triển khai và không được tạo ra những xung đột pháp luật với các luật hiện hành và đang được xây dựng.   
* Trước đó, cũng trong khuôn khổ phiên họp của UBTVQH về dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) dự kiến trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8 (tháng 10-2019), Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, qua thẩm tra, Ủy ban Kinh tế nhận định, việc hoàn thiện khung khổ pháp lý đối với hộ kinh doanh là cần thiết, đây là đối tượng cần có sự quản lý của nhà nước, cần có địa vị pháp lý để được tiếp cận chính sách của nhà nước để phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh đảm bảo sự bình đẳng giữa các chủ thể kinh doanh, phù hợp với thông lệ quốc tế.
Chính phủ ban hành Danh mục ngành, nghề tiếp cận thị trường có điều kiện đối với đầu tư nước ngoài ảnh 2 Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày báo cáo thẩm tra
Tuy nhiên, cũng có một số ý kiến cho rằng việc đưa hộ kinh doanh vào dự thảo Luật này là không phù hợp, vì Luật Doanh nghiệp quy định về việc thành lập, tổ chức quản lý, tổ chức lại, giải thể và hoạt động có liên quan của doanh nghiệp; quy định về nhóm công ty. Nếu điều chỉnh phạm vi, đưa đối tượng này vào dự thảo Luật thì tên gọi của luật nên là Luật Doanh nghiệp và hộ kinh doanh.

Có ý kiến đề nghị nghiên cứu xây dựng một luật riêng về hộ kinh doanh, vì hộ kinh doanh không phải là một loại hình doanh nghiệp…

Ủy ban Kinh tế đề nghị nghiên cứu, bổ sung quy định cụ thể hơn về khái niệm, loại hình, đối tượng được thành lập, nghĩa vụ đăng ký, chủ hộ và các thành viên, quyền và nghĩa vụ (thuế, lao động, bảo hiểm xã hội, môi trường...) của hộ kinh doanh; quy định về tạm ngừng, chấm dứt hoạt động và thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh; quy định về quản trị, kế toán, theo hướng đơn giản, thuận lợi về thủ tục hành chính nhằm bảo đảm vừa khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh của hộ kinh doanh vừa tạo sự công bằng, bình đẳng, minh bạch với doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, Ủy ban Kinh tế đề nghị rà soát, bổ sung quy định chặt chẽ nghĩa vụ của hộ kinh doanh; rà soát phù hợp với quy định của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trong việc hỗ trợ chuyển đổi hộ kinh doanh thành doanh nghiệp; đề nghị nghiên cứu, bổ sung luật hóa những quy định việc hộ kinh doanh tham gia các quan hệ dân sự tại Nghị định số 78/2015/NĐ-CP của Chính phủ về đăng ký doanh nghiệp và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đã được thực hiện ổn định trong thực tiễn vào dự thảo Luật để bảo đảm tính ổn định, tính kế thừa của hệ thống pháp luật.

Về doanh nghiệp nhà nước (Điều 87a dự thảo Luật), nhiều ý kiến cho rằng, với cách phân loại doanh nghiệp nhà nước tại dự thảo Luật, cần nghiên cứu, xác định tỷ lệ Nhà nước nắm giữ vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần có quyền biểu quyết phù hợp, có thể là 75%. Quy định này nhằm bảo đảm Nhà nước nắm giữ phần vốn góp hoặc cổ phần chi phối, bám sát với quan điểm chỉ đạo tại Nghị quyết số 12-NQ/TW ngày 3-6-2017 của Hội nghị ban chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 5 khóa XII về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả DNNN. Một số ý kiến tán thành với quy định khái niệm DNNN tại dự thảo Luật.

Đáng lưu ý, về phát hành, giao dịch trái phiếu riêng lẻ đối với công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty cổ phần không phải là đại chúng, Ủy ban Kinh tế cho rằng, phát hành trái phiếu là vấn đề rất quan trọng, tiềm ẩn nhiều rủi ro đối với nhà đầu tư (nhất là công ty không đại chúng), thị trường trái phiếu, thị trường tài chính, nên cần phải quản lý và kiểm soát chặt chẽ từ khâu phát hành và trong suốt quá trình giao dịch.

Cơ quan thẩm tra đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu, bổ sung quy định phát hành trái phiếu riêng lẻ của doanh nghiệp không phải là công ty đại chúng gồm công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty cổ phần tại dự thảo Luật (luật hóa Nghị định số 163/2018/NĐ-CP của Chính phủ về phát hành trái phiếu doanh nghiệp) nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong việc huy động vốn, bảo đảm quản lý nhà nước và tránh rủi ro cho nhà đầu tư.

Các trường hợp phát hành trái phiếu ra công chúng, phát hành trái phiếu riêng lẻ của công ty đại chúng theo quy định của pháp luật về chứng khoán.

Tin cùng chuyên mục