Luật sư nói vai trò của 8 cựu cán bộ BIDV là thứ yếu

Ngày 29-10, phiên tòa xét xở sơ thẩm vụ án làm thất thoát gần 1.700 tỷ đồng tại Ngân hàng Thương mại cổ phần đầu tư Việt Nam (BIDV) và các đơn vị liên quan, bước sang ngày thứ 4, các bị cáo tự bào chữa.

Ông Trần Bắc Hà cho phép làm tắt quy trình vay

Tại tòa hôm nay, 29-10, bị cáo Kiều Đình Hòa, cựu Giám đốc BIDV chi nhánh Hà Tĩnh tiếp tục khẳng định BIDV Hà Tĩnh không thể đứng ngoài cuộc trong việc đầu tư dự án trang trại; nếu bị cáo Hòa tham gia tích cực con số thiệt hại sẽ không dừng lại ở nội dung mà cáo trạng quy kết.

Bị cáo Hòa cho rằng với tư cách là người đứng đầu chi nhánh BIDV tại Hà Tĩnh, bị cáo thường xuyên chỉ đạo chuyên môn, kiểm tra, kiểm soát nhưng khách hàng đã lợi dụng để trục lợi là ngoài ý muốn của bị cáo. Trong khi đó, cấp dưới của bị cáo Hòa, bị cáo Lê Thị Vân Anh, cựu Trưởng phòng Khách hàng Doanh nghiệp BIDV chi nhánh Hà Tĩnh, từng là Chuyên viên Phòng Quản lý rủi ro BIDV chi nhánh Hà Tĩnh bật khóc khi nói về bản luận tội trước đó của Viện Kiểm sát.

Luật sư nói vai trò của 8 cựu cán bộ BIDV là thứ yếu ảnh 1 Các bị cáo tại phiên tòa. Ảnh: HÙNG NAM

Bị cáo cho biết, bản thân đã nhận thức sâu sắc được hành vi vi phạm, nhưng mong HĐXX xem xét tới bối cảnh của sự việc, bởi bị cáo có vai trò mờ nhạt, thứ yếu. Bị cáo khẳng định, mình chỉ ký các văn bản để hoàn thiện cho đúng thủ tục, hình thức; bị cáo không có vai trò quyết định, cá nhân bị cáo Vân Anh mong muốn dự án mang lại hiệu quả, lợi ích cho tỉnh Hà Tĩnh và mong có dư nợ doanh thu cho chi nhánh.

“Bị cáo tích cực phối hợp với cơ quan công an trong quá trình điều tra. Bị cáo được nhiều bằng khen, nhiều năm là Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở; hiện tại, bị cáo có hoàn cảnh rất khó khăn, chồng công việc không ổn định, các con còn nhỏ”, bị cáo Vân Anh nói và mong HĐXX quan tâm xem xét.

Tự bào chữa trước tòa, bị cáo Ngô Duy Chính, cựu Giám đốc BIDV chi nhánh Hà Thành giải thích việc cho Công ty Trung Dũng vay tiền, theo đó, doanh nghiệp là doanh nghiệp nhỏ, chưa có uy tín trên thị trường. Khi chi nhánh có ý kiến bảo lãnh phát hành trái phiếu, cùng với đó là có thêm chỉ đạo của ông Trần Bắc Hà liên quan tới các thủ tục và mở thư tín dụng L/C, bị cáo nhận thấy ông Hà có sự quan tâm “đặc biệt” đối với Công ty Trung Dũng, do đó, mặc dù biết là “quy trình ngược, bị áp lực”, nhưng bị cáo Chính và các cán bộ BIDV chi nhánh Hà Thành vẫn phải làm theo.

Theo lời bào chữa của bị cáo Chính, ông Trần Bắc Hà từng chỉ đạo doanh nghiệp Trung Dũng là đối tác chiến lược, nếu làm đúng quy định, món vay của Công ty Trung Dũng phải mất 2 tuần mới làm xong, nhưng ông Hà cho làm tắt, nên chỉ mất 5 ngày. Đây cũng là áp lực lớn với cá nhân ông và các cán bộ BIDV chi nhánh Hà Thành.

“Vai trò của bị cáo là đồng phạm thứ yếu. Bị cáo là giám đốc nhưng không bao giờ chỉ đạo tắt hay sai quy trình hoặc sai số liệu, hoàn toàn phòng nghiệp vụ làm. Bị cáo chấp hành đúng quy trình”, bị cáo Chính khẳng định.

Tự bào chữa trước tòa, bị cáo Trần Anh Quang, cựu Tổng Giám đốc Công ty Bình Hà khẳng định mình không tư lợi như cáo trạng quy kết và mong tòa xem xét giảm án để sớm trở lại xã hội, giải quyết công nợ với BIDV.

Đề nghị không bồi thường tiền thất thoát

Luật sư Nguyễn Huy Thiệp, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho BIDV cho biết, trong vụ án này, BIDV được xét là bị hại, vì vậy có quyền đề nghị mức hình phạt với các bị cáo, đưa ra mức bồi thường và phương án bồi thường với thiệt hại tại BIDV. Luật sư cũng đánh giá, mức độ sai phạm của các cựu cán bộ tại BIDV và nêu lên những đóng góp của các cựu cán bộ này, nhất là 2 bị cáo Trần Lục Lang và Đoàn Ánh Sáng có những đóng góp đặc biệt cho BIDV. Luật  sư Thiệp cho rằng, bản chất hoạt động ngân hàng là hoạt động kinh doanh rủi ro, những khoản vay đều có khả năng rủi ro; khoản vay của Công ty Bình Hà, đây là dự án nông nghiệp được ưu tiên phát triển, được tỉnh Hà Tĩnh ủng hộ. BIDV đã giải ngân đúng địa chỉ, đúng đơn vị.

“Thời gian đầu, Công ty Bình Hà trả đều lãi. Sau khi gặp khó khăn đã đẩy chi phí tại doanh nghiệp này, cùng với đó là ảnh hưởng nặng nề của bão khiến dự án không đạt được mong muốn như ban đầu, thậm chí phát sinh khoản nợ dẫn đến BIDV có khoản nợ xấu. Sau khởi tố, dư nợ gốc của Công ty Bình Hà hơn 1.250 tỷ đồng. Công ty Bình Hà phải có nghĩa vụ trả nợ gốc và lãi”, luật sư Thiệp nhấn mạnh và trình bày thêm về phương án tái cơ cấu của Công ty Bình Hà.

Đối với khoản vay của Công ty Trung Dũng, luật sư Thiệp cho rằng doanh nghiệp này là khách hàng mục tiêu, khách hàng loại A, được hưởng chính sách mở rộng. Doanh nghiệp của bị cáo Đoàn Hồng Dũng kinh doanh thép nhưng gặp khó khăn, khi phát hiện không trả nợ được cho BIDV, ngân hàng đã đôn đốc chi nhánh Hà Thành thực hiện các biện pháp giảm thiểu rủi ro. Hiện, số dư nợ của doanh nghiệp này còn hơn 800 tỷ đồng nợ gốc, việc này buộc Trung Dũng tiếp tục trả nợ gốc và lãi cho BIDV. Qua đây, luật sư Thiệp cũng đề nghị bị cáo Đoàn Hồng Dũng và vợ là Nguyễn Thị Thanh Sơn phải liên đới bồi thường số tiền hơn 263 tỷ đồng.

Với trách nhiệm của 8 cựu cán bộ tại BIDV, luật sư Thiệp đề nghị áp dụng mức án thấp nhất có thể với những người này, do họ đã có nhiều đóng góp cho ngành ngân hàng, có vai trò thứ yếu, không vì tư lợi và các bị cáo đã tích cực phối hợp với cơ quan điều tra trong quá trình điều tra vụ án. Bên cạnh đó, luật sư khẳng định, 8 cựu cán bộ BIDV chỉ là người làm công ăn lương. Từ viện dẫn trên, luật sư Nguyễn Huy Thiệp đề nghị HĐXX không buộc họ phải bồi thường dân sự.

Tin cùng chuyên mục