Vào tháng 9 tới, Ủy ban chính sách xã hội của Thượng viện Nga sẽ trình Duma Quốc gia (Hạ viện) Nga một dự luật về giáo dục lòng yêu nước cho các công dân. Hiện cả Thượng viện và Hạ viện Nga đều đang thảo luận dự luật này. Điện Kremlin cũng đã phê chuẩn ý tưởng trên, song nhấn mạnh rằng việc giáo dục lòng yêu nước không giới hạn ở một luật do đây là quá trình nhiều mặt, liên quan tới nhiều khía cạnh hoạt động.
Theo Ria Novosti, ý tưởng đề ra dự luật xuất phát từ nguyên nhân đang có những âm mưu viết lại lịch sử cuộc chiến tranh thế giới thứ hai, coi nhẹ sự hy sinh của những người lính Hồng quân Liên Xô. Chính phủ Nga cho rằng âm mưu này nhằm làm suy yếu nước Nga. Từ năm 2010, Chính phủ Nga tuyên bố chi 777 triệu ruble (26 triệu USD) để tuyên truyền chủ nghĩa yêu nước trong 15 năm nhằm nâng cao ý thức này trong thế hệ trẻ.
Theo ông Valery Ryazan, người đứng đầu Ủy ban chính sách xã hội của Thượng viện Nga, giáo dục về lòng yêu nước nên là hoạt động thường xuyên của các cơ quan nhà nước và các tổ chức. Điểm chính của luật là nêu cao lòng trung thành của công dân đối với tổ quốc. Quá trình giáo dục lòng yêu nước không chỉ liên quan tới các kẻ thù bên ngoài mà cần xem xét cả lịch sử đất nước, thừa nhận những sai lầm... Hiểu về những giai đoạn đó của đất nước cũng sẽ đem đến cho người dân tinh thần yêu nước. Trong dự thảo luật sẽ có cả hồi ức về các cuộc chiến trước đây, và vấn đề biên soạn sách lịch sử cũng như cải thiện hoạt động của hàng loạt tổ chức nhà nước...
Việc đưa ra dự luật yêu nước đã làm nảy sinh hàng loạt câu hỏi. Câu hỏi đầu tiên là nó sẽ áp dụng các hình phạt nào đối với người vi phạm? Những người như thế nào bị coi là phạm luật? Tiêu chuẩn nào để đánh giá họ? Liệu có thể phạt những công dân chưa có lòng yêu nước? Cơ quan nào giám sát tinh thần yêu nước và thực hiện công việc này như thế nào?
Những thắc mắc chính vẫn là liệu có nên đưa lòng yêu nước trở thành một bộ luật. Phó Chủ tịch Ủy ban An ninh của Duma Quốc gia, ông Sergei Popov, băn khoăn không hiểu làm thế nào để xác định những tiêu chí cho hoạt động yêu nước. Ông thừa nhận sự mập mờ trong việc xác định “mức độ yêu nước” có thể dẫn tới tình trạng lạm dụng. Phó Chủ tịch Ủy ban phụ trách luật hiến pháp trong Duma Quốc gia, ông Vadim Soloviev, thì cho rằng trong bối cảnh hiện nay việc đưa ra một luật như vậy là không thực tế.
Các nhà phân tích cho rằng, trên con đường đưa nước Nga trở lại vị thế của một cường quốc, những người đứng đầu nước Nga đang tăng cường sức mạnh của quốc gia. Sức mạnh này không chỉ nằm ở tiềm lực về kinh tế, quân sự mà còn nằm ở lòng yêu nước của mỗi người dân. Bởi không có lòng yêu nước thì liệu có công dân nào muốn xây dựng đất nước phồn vinh?
Dự luật vẫn có những ý kiến trái chiều song không thể phủ nhận việc giáo dục lòng yêu nước là việc rất cần thiết trong bối cảnh xã hội nước Nga ngày nay vẫn đang có những âm mưu chống phá từ những thế lực bên ngoài. Tuy nhiên, việc giáo dục lòng yêu nước chỉ dựa trên một bộ luật là vẫn chưa đủ bởi lòng yêu nước bắt nguồn từ chính trong tâm con người và nhờ vào sự giáo dục của gia đình, môi trường xã hội.
PHƯƠNG NAM