Theo thống kê sơ bộ của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TPHCM, thành phố có khoảng 2.000km kênh rạch đóng vai trò quan trọng trong việc thoát nước trên địa bàn thành phố. Trong đó có 170 kênh rạch với gần 700km bị lục bình, cỏ dại phát triển, ngăn cản dòng chảy gây ô nhiễm môi trường và tăng nguy cơ phát sinh dịch bệnh.
Những quận, huyện bị ô nhiễm kênh rạch nặng do tập trung dày đặc lục bình là quận 2, quận 12, quận Bình Tân, quận Gò Vấp, huyện Hóc Môn, huyện Củ Chi và huyện Cần Giờ. Ước tính đã có 29 tuyến kênh rạch với chiều dài 25.653m có lục bình dày đặc. Tình trạng này càng trầm trọng hơn tại những tuyến kênh rạch cụt, không có đường thoát nước hay những tuyến kênh chạy trong các khu dân cư. Những mảng lục bình dày đặc cộng với sự thiếu ý thức của một bộ phận không nhỏ người dân thường xả rác ra kênh rạch đã khiến cho tình trạng tắc nghẽn dòng chảy. Mặt khác, với lượng lớn lục bình sẽ làm giảm ánh sáng và nồng độ oxy trong nước dẫn đến giảm sản lượng cá và thủy sinh trong nước.
Trang thiết bị sử dụng xử lý lục bình trên hệ thống kênh rạch rất thô sơ.
Lý giải thực tế trên, Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết, do lượng lớn lục bình từ khu vực thượng nguồn theo dòng chảy sông Sài Gòn, Đồng Nai trôi dạt về. Sau đó, theo phân nhánh tràn vào hệ thống kênh rạch nội thành và phát triển mạnh thêm. Hiện nay, Công ty TNHH một thành viên Môi trường đô thị TPHCM (Công ty MTĐT) đã tiến hành khảo sát toàn tuyến thượng nguồn sông Sài Gòn từ ranh giới giáp với tỉnh Tây Ninh về đến cầu Rạch Tra thuộc địa bàn huyện Củ Chi và phát hiện khối lượng lục bình hiện hữu khá lớn. Từ năm 2001 đến nay, thành phố đã tổ chức thực hiện vớt rác trên một số tuyến kênh rạch chính như kênh Đôi, kênh Tàu Hủ, kênh Nhiêu Lộc -Thị Nghè, kênh Tân Hóa - Lò Gốm và một phần kênh Bến Nghé. Việc vớt rác thải làm sạch dòng kênh được giao cho hai đơn vị là Công ty Dịch vụ công ích quận 8 (đảm nhận làm sạch kênh Đôi, kênh Tàu Hủ, một phần kênh Bến Nghé) và Công ty MTĐT chịu trách nhiệm làm sạch các tuyến kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè và kênh Tân Hóa - Lò Gốm. Tuy nhiên, ngoài những tuyến kênh trên, đến nay việc vớt rác làm sạch kênh rạch vẫn chưa mở rộng cho các tuyến kênh khác trên địa bàn thành phố. Điều đáng nói, công nghệ vớt lục bình còn thô sơ, lạc hậu; sử dụng các xuồng có động cơ công suất từ 4-24CV, trên xuồng đặt các thùng chứa rác và sử dụng các dụng cụ thủ công để vớt rác. Các phương tiện thiết bị vớt rác này của hai đơn vị đều không phù hợp với vớt lục bình vì hầu hết các tàu xuồng vớt rác hiện nay đều có công suất nhỏ, thân tàu thấp, công nghệ vớt thủ công chưa phù hợp với hoạt động vớt rác trên các tuyến sông lớn.
Để có thể giải quyết tình trạng ô nhiễm lục bình hiện nay, theo các cơ quan chức năng, thành phố cần tổ chức triển khai phương án vớt lục bình thường xuyên trên thượng nguồn sông Sài Gòn - Đồng Nai thuộc địa bàn huyện Củ Chi, nhằm hạn chế lục bình theo dòng chảy thủy triều trôi dạt trên sông và đổ vào hệ thống kênh, rạch nội đô bên trong gây ảnh hưởng tuyến giao thông thủy. Mặt khác, việc đầu tư trang thiết bị, vớt rác trên sông cần được trang bị kết hợp cả lao động thủ công và máy móc để vớt rác, tránh ô nhiễm.
MINH XUÂN